Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Đồng Hỷ không ngừng được mở rộng, phong phú về chủng loại nhưng chủ yếu vẫn được trồng phân tán, quy mô nhỏ lẻ, khiến việc tiêu thụ bấp bênh. Để khắc phục những hạn chế đó, huyện Đồng Hỷ đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có chất lượng cao.
Theo con đường bê tông mới, uốn quanh những dải núi đá, chúng tôi từ Quốc lộ 1B rẽ vào xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, để tìm hiểu về mô hình trồng na nơi đây. Ônh Dương Văn Sình, Trưởng xóm Trung Sơn, cho biết: Xóm có hơn 100 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2016, người dân nơi đây đã tham gia mô hình trồng na theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh (Đề án 2037). Hợp đất, cây na phát triển tốt, cho quả to, ngọt, dần dần cả xóm Trung Sơn đã chuyển từ trồng ngô sang trồng na chất lượng cao. Hiện nay, diện tích na dai ở xóm Trung Sơn đã được nhân rộng lên 38ha. Mỗi năm, khi vào vụ thu hoạch, hàng chục tấn na được tư thương đến tận vườn, bãi thu mua. Cây na đã giúp người dân cải thiện đời sống và góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo bền vững, đưa Trung Sơn ra khỏi diện xóm đặc biệt khó khăn.
Còn tại xã Tân Long, ông Nông Văn Nghĩa, xóm Làng Mới, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi trồng giống nhãn địa phương, quả nhỏ nên chỉ bán được với giá 5.000-7.000 đồng/kg. Từ khi áp dụng phương pháp mới, tôi đã đốn cho cây bớt cao và cắt tỉa 10% số lượng chùm quả non để tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả. Mặc dù sản lượng có giảm đôi chút nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn vì nhãn ghép chín muộn, thường cho thu hoạch sau nhãn chính vụ, nên giá bán đạt từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ còn chuyển sang trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP. Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Trường, ở xóm Na Chanh, xã Nam Hòa, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ 3ha cây ăn quả. Ông Trường chia sẻ: Gia đình tôi trồng khoảng 700 cây bưởi, 300 cây ổi, 300 cây táo và 3.000m2 thanh long. Toàn bộ cây ăn quả trong vườn đều được trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, Quy trình này tuy mất nhiều thời gian nhưng cây phát triển tốt và số lượng quả nhiều hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả, những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, quy hoạch vườn cây ăn quả; chọn giống tốt, chất lượng để trồng. Đồng thời, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập tổ hợp tác, hợp tác nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả cho người dân. Cùng với đó, huyện tập trung rà soát, quy hoạch những vùng có diện tích đất lúa, ngô, cây lâm nghiệp nhưng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị hơn.
Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt trên 1.830ha, tăng hàng trăm ha so với năm 2015. Một số địa phương đã chuyển đổi cây trồng chính sang trồng nhãn như các xã Hóa Thượng, Hóa Trung, Khe Mo. Đặc biệt hình thành vùng trồng cây có múi tại các xã Quang Sơn, Tân Long, Văn Hán… Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm, tăng 90 triệu đồng so với năm 2015.
Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đồng Hỷ, thông tin: Để tiếp tục nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả, huyện Đồng Hỷ đã triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Đồng Hỷ phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích cây ăn quả sản xuất tập trung đạt 240ha; đến năm 2030 đạt 300ha; 70% vùng sản xuất tập trung xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Để làm được điều đó, bên cạnh việc tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những diện tích có điều kiện phát triển cây ăn quả, huyện thực hiện hỗ trợ 100% giá cây giống; 100% kinh phí chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ chi phí đầu tư cho sản xuất theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý thương mại, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm…