Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh hiện có 285 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Thời gian qua, ngoài việc tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi, thú y cho hội viên, Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau; liên kết giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hợp tác xã (HTX) Xanh nằm trên địa bàn phường Lương Sơn (TP. Sông Công) được thành lập năm 2017, với 7 thành viên chăn nuôi, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường khoảng 60 tấn thịt lợn thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Xanh chia sẻ: Sớm nhận thấy lợi ích trong việc tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngay từ khi thành lập, HTX đã hướng các thành viên tạo ra sản phẩm chăn nuôi sinh học an toàn. Thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ cám gạo, ngô, khoai, sắn. Cùng với việc chăn nuôi đảm bảo chất lượng, từ năm 2019, HTX đã xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm 2 cửa hàng bán thịt lợn tại phường Thắng Lợi và phường Lương Sơn. Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được kiểm nghiệm, đóng gói, thông tin được in đầy đủ trên bao bì. Cũng nhờ đó, sản phẩm bán ra có giá cao hơn khoảng 10% so với giá bán thịt lợn chăn nuôi thông thường.
Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi -Thú y tỉnh cho hay: Mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi của HTX Xanh (thành viên của Hội) hiện khá thành công. Mô hình liên kết trong sản xuất, thụ sản phẩm này mang lại nhiều lợi ích; tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hướng đến nền sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết các hộ, HTX chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro; đồng thời khi liên kết với doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nên người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chủ động bao tiêu sản phẩm, chất lượng sản phẩm đầu ra cũng được quản lý chặt chẽ…
Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa các hộ, HTX chăn nuôi với nhau và kết nối các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp. Mới đây, Hội cũng đã làm việc với HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến (Phú Bình); đồng thời tuyên truyền, vận động các hội viên đăng ký để liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm theo chuỗi.
Hội cũng đã kết nối với một doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, hỗ trợ các hộ chăn nuôi từ khâu cung cấp giống, thức ăn đến khâu đưa hàng hóa vào các siêu thị ở Hà Nội.
Theo thống kê của các ngành chức năng, hội viên của Hội Chăn nuôi -Thú y hiện đang xây dựng được trên 800 trang trại, trong đó có khoảng 300 trang trại lợn. Hiện có gần 10 công ty chăn nuôi liên doanh gia công, với khoảng 350 trang trại (chiếm 43% tổng số trang trại). Toàn tỉnh cũng hình thành 11 chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm hoạt động theo hình mô hình nghiệp. Trong số này, trên 70% có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, chiếm 35-40% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Phúc, việc liên kết chăn nuôi giữa các hộ với nhau để tạo ra lượng hàng hóa lớn, đạt tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng thị trường chưa nhiều. Thêm vào đó, hiện nay có hàng nghìn gia trại và các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại các huyện như: Phú Bình, Định Hóa; vùng chăn nuôi lợn tại TP. Phổ Yên, Phú Bình… do tính liên kết trong chăn nuôi lỏng lẻo nên vẫn còn tình trạng khó khăn trong khâu tiêu thụ. Một trong những khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết là các hộ chăn nuôi còn “cố hữu” thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.
Nhằm giúp các hội viên chăn nuôi đạt kết quả cao, thời gian tới Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh ngoài tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên sẽ tiếp tục chú trọng kết nối giữa hội viên với nhau để sản xuất hàng hóa số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết, từ khâu chọn con giống, cung cấp thức ăn chăn nuôi đảm bảo đến khâu giết mổ và tiêu thụ sản phẩm.