Mang cơ hội đến người dân

Chung An 12:18, 29/08/2022

Thời gian vừa qua, cùng với việc phát triển đô thị làm thay đổi diện mạo thành phố thì tình trạng dôi dư lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp trên địa bàn TP. Thái Nguyên xuất hiện nhiều. Từ thực tế này, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu tổ chức các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn cho các đối tượng trong độ tuổi lao động.

 

Thành viên Hợp tác xã chè Thủy Thuật (xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) thu hái chè hữu cơ.

Xã Phúc Trìu hiện có khoảng 1.700 hộ dân, trên 6.700 nhân khẩu, trong đó có khoảng 30% là đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sán Dìu, Nùng, Tày. Đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào trồng chè, cây lúa nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trao đổi, học hỏi các mô hình nhằm nâng cao giá trị sản phẩm luôn được chính quyền địa phương quan tâm.

Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, chia sẻ: Hằng năm, địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan của tỉnh, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn; đào tạo nghề chủ yếu là sao sấy, chế biến, chăm sóc chè, với bình quân khoảng 500 lao động trên địa bàn tham gia. Thông qua các khóa học, tập huấn này, người dân có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Mạc Thanh Dương, hội viên Nông dân xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu, cho biết: Gia đình tôi có 2ha chè nên hầu hết các buổi tập huấn, khóa bồi dưỡng ngắn hạn về học nghề sao sấy, chăm sóc chè tổ chức ở xã, thành phố tôi đều tham dự để có thêm kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn. Chính vì vậy, trong 2ha chè của gia đình thì đến nay có ½ diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Giá trị sản phẩm nhờ đó tăng lên rất nhiều.

Tổ chức các lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng ngắn hạn chuyển giao khoa học công nghệ là một trong những nội dung đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ tay nghề cho người dân được TP. Thái Nguyên triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian.

Theo đó, TP. Thái Nguyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến các xã, phường tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, mô hình dạy nghề phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức trên 40 hội nghị phổ biến, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu học nghề cho trên 4.000 lượt người tham gia…

Ngoài ra, TP. Thái Nguyên còn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tổ chức các lớp đào tạo nghề.

Giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố đã tổ chức hơn 300 lớp dạy nghề cho trên 22.000 lao động nông thôn. Nghề được đào tạo chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 80% số lớp, số còn lại là may dân dụng, tin học văn phòng...

100% người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức, biết cách làm, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập.

Theo đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Thái Nguyên, song song với công tác khảo sát, rà soát đáp ứng nhu cầu học nghề thì việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng được thành phố quan tâm. Theo đó, thành phố chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy nghề; củng cố, kiện toàn, tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dạy nghề. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã đầu tư gần 13 tỷ đồng nâng cấp trụ sở và xây mới phòng học tại một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn…

Nhờ chú trọng giải quyết việc làm nên nhiều lao động sau đào tạo có việc làm tăng thu nhập, thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 4,53% thì hết năm 2021 chỉ còn 0,56%; 100% xã đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016.


Từ khóa:

Thành phố Thái Nguyên

chè