Trên 90% hộ nông dân TP. Thái Nguyên có điện thoại thông minh. Nhiều hộ đã cài đặt, sử dụng các tiện ích trên điện thoại để điểu khiển những thiết bị phục vụ sản xuất. Hầu hết sản phẩm của nhà nông được giới thiệu, rao bán trên mạng xã hội. Người nông dân TP. Thái Nguyên đã chủ động tiếp cận công nghệ, nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số, phù hợp với xã hội số hiện nay.
Mất gần nửa giờ chạy xe máy lòng vòng qua các khu ruộng, vườn cây ăn quả của nông dân xã Thịnh Đức, chúng tôi mới có mặt ở sân nhà ông Chu Văn Quân, xóm Cương Lăng. Thấy người, hơn trăm con dê ngoài chuồng đồng thanh kêu be be. Hàng nghìn con cá dưới 2 sào ao nổi đen lưng chờ mồi. Ông Quân không vội vã, cầm chiếc điện thoại, bấm phím tanh tách, ngay lập tức hệ thống máy móc của trang trại hoạt động như ý chủ.
Khoát tay ra khu vườn rộng lớn, ông Quân khề khà: Mọi việc có máy nó làm. Mình ngồi uống trà, ra phố, hoặc đi đâu đó mà không lo con vật nuôi của trang trại bị bỏ đói hay cây ngoài vườn bị khô khát.
Ông Vũ La Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Thái Nguyên, cho biết: Không riêng ông Quân, hiện nhiều nông hộ ở thành phố đã tiếp cận, lắp đặt các thiết bị ứng dụng điều khiển phục vụ sản xuất, như hệ thống tưới nước cho cây trồng, cho vật nuôi ăn, uống. Việc ghi chép nhật ký sản xuất của bà con cũng được lưu trên máy tính, điện thoại, tiện lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Cũng từ ứng dụng công nghệ, bà con quảng bá, bán hàng nông sản đến tay người tiêu dùng mà không phải qua khâu trung gian.
TP. Thái Nguyên có 32 xã, phường, hơn 23.000 hội viên nông dân - một lực lượng lao động then chốt làm ra khối lượng lớn các sản phẩm hàng hóa về trồng trọt, chăn nuôi. Ghi nhận trong thời gian 3 năm gần đây, trong tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng sản phẩm của bà con không bị tồn đọng, đến tay người tiêu dùng nhờ biết ứng dụng công nghệ rao bán hàng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên, chia sẻ: Xã có nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi. Đương nhiên họ là những người nhanh nhạy tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều người trong số họ vừa là nông dân, lại đồng thời là nhà kinh doanh qua mạng xã hội. Nhờ cách bán hàng này, bà con tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí đi lại trong khi hàng và tiền vẫn luân chuyển đến đúng địa chỉ.
Thời đại của công nghệ 4.0, thương mại điện tử trở thành xu thế kinh doanh phổ biến. Với các xã, phường thì đây cũng là một nội dung quan trọng trong chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài kết nối thông tin, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm nông sản, bà con còn có thêm các cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm giàu; gọi vốn đầu tư; tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp. Đồng hành với nông dân, các cấp, ngành, đơn vị chuyên môn đã tổ chức cho bà con kỹ năng sử dụng một số ứng dụng trên điện thoại, mạng internet, giúp nông dân nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số.
Ông Mai Viết Ái, một hộ làm kinh tế giỏi ở xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, nói: Từ tháng 5-2022, tôi được tham gia lớp tập huấn chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá do Hội Nông dân và Bưu điện thành phố tổ chức. Nội dung chủ yếu là về đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn và hệ thống cửa hàng gồm: Điểm Bưu điện xã, Bưu điện thành phố. Sau học tập, tôi được trang bị thêm kỹ năng quảng bá nông sản qua mạng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường.
Ứng dụng công nghệ số, hiện các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và những hộ làm kinh tế giỏi trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã quen với việc dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh “tung” lên mạng xã hội. Bà Nguyễn Thị Huệ, xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn, bộc bạch: Gia đình tôi có hơn 5.500m2 đất trồng ổi. Ngày nào nhà tôi cũng có ổi thồ đi bán. Nhờ mạng xã hội mà nhiều khách hàng biết đến vườn ổi của gia đình, nên tự tìm đến đặt mua, hoặc đặt mua qua mạng.
Còn bà Nguyễn Thị Hiển, xóm Cậy, xã Huống Thượng, cho hay: Từ 3 năm gần đây tôi có thói quen lên mạng để chia sẻ thông tin về công việc đồng áng. Đồng thời tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức, kỹ thuật áp dụng cho từng loại cây rau màu. Nhờ đó, gần 1ha đất chuyên rau của gia đình liên tục luân phiên, chuyển vụ, mùa nào rau nấy. Nhiều khi tôi trồng rau theo nhu cầu của các bếp ăn tập thể đặt hàng qua mạng.
Thích ứng với chuyển đổi số, nhiều cơ hội mới đã mở ra với nông dân TP. Thái Nguyên. Song để thuận lợi hơn, bà con mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về công nghệ, ứng dụng công nghệ; tăng cường mở lớp tập huấn chuyển đổi số cho nông dân qua ứng dụng các nền tảng công nghệ, như cài đặt hệ thống điều khiển, vận hành máy móc thiết bị và kỹ năng xây dựng gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn...