Lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả

Lương Hạnh 07:07, 04/11/2022

Nhằm khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn hiệu quả. Qua đó, giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hợp tác xã chè Thịnh An đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Hợp tác xã chè Thịnh An đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).

Sau 3 năm triển khai sản xuất theo hướng hữu cơ, trên nương chè của bà con xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên (Đại Từ) tuyệt nhiên không còn hình ảnh người dân phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, môi trường cũng trở nên trong lành hơn rất nhiều. 

Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, chia sẻ: Ngoài hỗ trợ chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông còn theo dõi, tư vấn, đôn đốc bà con ghi nhật ký sản xuất nông hộ; kiểm tra nội bộ, cập nhật hồ sơ quản lý, chăm sóc và sản xuất chè theo quy trình an toàn. Đồng thời, tư vấn cho Hợp tác xã tiến hành chuyển đổi số và dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng kế hoạch liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ ở Phú Xuyên, mô hình sản xuất chè hữu cơ còn được Trung tâm Khuyến nông triển khai ở các xã: Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Tức Tranh (Phú Lương) và thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), với tổng diện tích 60ha. Sau 3 năm thực hiện, đã có 59,1ha/60ha đủ tiêu chuẩn cấp Giấy chứng nhận hữu cơ Việt Nam 11041-6:2018. 

Tại các địa điểm triển khai đều xây dựng được mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định với các công ty, hợp tác xã và giá bán đạt 50-80 nghìn đồng/kg chè búp tươi, cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15-20 nghìn đồng/kg. Hiệu quả kinh tế đạt 560-600 triệu đồng/ha/năm, cao hơn các diện tích ngoài mô hình từ 120-160 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, thu nhập của người dân cũng tăng 25%-30% so với trước khi thực hiện mô hình.

Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã chủ trì và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện 17 chương trình, mô hình, dự án khuyến nông từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh. Trong đó, có 14 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt và 3 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. 

Qua đánh giá, hầu hết các mô hình đạt lợi nhuận tăng từ 25-30% so với sản xuất đại trà. Điển hình như các mô hình: Sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Hán, Ứng dụng kỹ thuật trồng măng Lục Trúc tại thị trấn Trại Cau, Ứng dụng kỹ thuật trồng Na theo tiêu chuẩn hữu cơ ở xã Tân Long (Đồng Hỷ); mô hình trồng cây na ta, na Đài Loan ở xã Liên Minh (Võ Nhai); trồng hồng xiêm xoài ở xã Vô Tranh (Phú Lương)…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, có các mô hình tiêu biểu như: Chăn nuôi gà thịt lông màu theo hướng hữu cơ ở xã Yên Đổ và Phủ Lý (Phú Lương); chăn nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng ngô sinh khối tại xã Nga My (Phú Bình)…

Thực tế cho thấy, các mô hình, dự án do Trung tâm Khuyến nông triển khai ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết nhiều “nhà” trong sản xuất. 

Ngoài ra, Trung tâm còn áp dụng công nghệ trong kết nối để chia sẻ thông tin tới nông dân một cách đầy đủ nhất, nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Từ đó, giúp bà con nông dân nắm vững kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp, bắt nhịp với xu thế mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên: Thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn đã khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, giúp bà con thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, sản xuất an toàn, hữu cơ, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện về công tác khuyến nông trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; chú trọng triển khai các nội dung trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…


Từ khóa:

khuyến nông

mô hình

sản xuất