Thời gian gần đây, chính sách “bia kèm lạc” đang được nhiều ngân hàng áp dụng đối với khách hàng vay vốn. Tức là muốn được giải ngân khoản vay, khách hàng cần mua gói bảo hiểm vài chục triệu đồng hoặc chấp nhận các điều kiện đi kèm khác. Do đó, nếu cộng thêm khoản chi phí này, mức lãi suất cao như hiện tại thực tế còn "ngất ngưởng" hơn. Nhiều người cho rằng kiểu làm ăn này không nên tồn tại trong một ngành vốn được ví như "huyết mạch" của nền kinh tế như ngành Ngân hàng.
Trong khi việc vay vốn của các hộ kinh doanh để nhập hàng tích trữ vào dịp cuối năm đã khó khăn thì nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng cần tham gia gói bảo hiểm để dễ dàng hơn trong việc giải ngân (ảnh mang tính chất minh họa). |
Thuật ngữ “bia kèm lạc” và nội hàm của nó bắt nguồn từ một hiện tượng xã hội thời bao cấp. Trong giai đoạn này, nhờ việc độc quyền nên các cửa hàng bia đã nảy ra “sáng kiến” bán kèm với lạc như một thứ bắt buộc nhằm tăng doanh thu. Nếu không làm như vậy, họ sẽ không bán được lạc do giá đắt, trong chất lượng chưa chắc đã hơn bên ngoài.
Những năm gần đây, câu chuyện về “bia kèm lạc” từng xảy ra đối với một số mặt hàng, điển hình là với khách mua ô tô. Đối với lĩnh vực ngân hàng (NH), tình trạng này lác đác tồn tại ở một số đơn vị nhỏ, nhưng chủ yếu áp dụng được đối với những khách hàng vay tiêu dùng, không dễ tiếp cận các tổ chức tín dụng lớn. Còn giờ đây, khi room tín dụng của phần lớn NH đều đã chạm ngưỡng, việc cho vay trở nên khó khăn, thì gói “bia kèm lạc” lại được nhiều đơn vị thực hiện, trong đó có cả NH thương mại cổ phần Nhà nước.
Nói về điều này, anh Nguyễn Đăng Sơn, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Cách mạng Tháng Tám (TP. Thái Nguyên) ngao ngán: Từ đầu tháng 10, tôi muốn vay NH thêm 1,5 tỷ đồng để nhập hàng nhưng mãi không được nên đành chấp nhận vay của người quen với lãi suất cao. Giờ đây, khoản đang vay sắp đến kỳ đáo hạn, tôi được phía NH thông báo lãi suất dự kiến sẽ khoảng 10,5-11%/năm, tức là cao hơn 4-4,5%/năm so với cách đây nửa năm. Đi kèm với đó, tôi phải mua gói bảo hiểm tiền vay với mức tối thiểu 450 nghìn đồng/100 triệu đồng/5 tháng (tương ứng 90 nghìn đồng/100 triệu đồng/tháng).
Như vậy, với số tiền 2,8 tỷ đồng đang vay, trong đợt tới, ngoài lãi suất phải trả theo hợp đồng, anh Sơn còn "gánh" thêm khoản bảo hiểm mỗi tháng là 2,5 triệu đồng. "Tôi thấy rất vô lý. Tôi có thắc mắc với nhân viên NH thì được giải thích: Đây là gói vay ưu đãi nên đi kèm với đó là khách hàng phải tham gia gói bảo hiểm tiền gửi. Nếu không, thì người vay có thể lựa chọn vay sang gói vay khác, với lãi suất trên 11%/năm." - Anh Sơn chia sẻ.
Tương tự anh Sơn, nhiều người cũng băn khoăn về cách "bán bia kèm lạc" của các NH. Có người cho rằng, với việc bị làm khó khi vay vốn như hiện tại, khi hoạt động này trở lại bình thường, họ sẽ cân nhắc việc có nên gắn với NH quen thuộc nữa hay không.
Hiện nay, nhu cầu vay vốn ngân hàng để ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh của nhân dân là rất lớn (ảnh mang tính chất minh họa). |
Cũng được giới thiệu “kèm lạc” là gói bảo hiểm nhân thọ trị giá tối thiểu 20 triệu đồng/năm cho khoản vay 500 triệu đồng trong vòng 6 tháng, với lãi suất lên tới 12,8%/năm, tại một NH TMCP đại chúng, chị Hà Thu Ngọc ngán ngẩm: Biết tôi cần tiền nên họ gợi ý như vậy. Mặc dù nói là không bắt buộc nhưng nhân viên NH nói rằng, khoản vay nào kèm theo hợp đồng bảo hiểm sẽ dễ dàng hơn trong việc được phê duyệt. Mà có phải mua 1 năm là xong đâu, ít nhất cũng phải tham gia từ 5-10 năm.
Thực tế cho thấy, hiện các NH đều có các sản phẩm phụ hoặc có sự liên kết với các công ty khác trong bán chéo sản phẩm, nhằm gia tăng lợi nhuận. Song, cách làm gợi ý khách hàng đáp ứng các điều kiện đi kèm để được giải ngân khoản vay không được khuyến khích và không nhận được sự đồng tình của phần đông người dân, thậm chí là giữa các NH.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chấn chỉnh tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, ngày 13/1/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, trong đó đề cập việc tăng cường quản lý việc bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng.
Hay vào tháng 8/2022, trả lời về tình trạng tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm sau đó mới giải ngân, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện. Nếu nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.
Ông Phi cũng cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố nếu phát hiện các tổ chức tín dụng, cá nhân yêu cầu, ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm rồi mới giải ngân vốn vay thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin