Tạo cực hút đầu tư từ phát triển các cụm công nghiệp

Hoài Anh 09:01, 09/11/2022

Việc quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp (CCN) với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động đã và đang tạo "cú hích" trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng được coi là “cực nam châm” để Thái Nguyên hút dòng vốn đầu tư vào địa bàn.

Lễ khởi công Dự án CCN Tân Phú 1, CCN Tân Phú 2 và động thổ CCN Lương Sơn.

Đúng theo cam kết và tiến độ triển khai, chưa đầy 7 tháng sau khi được cấp Quyết định thành lập, CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 với tổng quy mô trên 130ha, mức đầu tư gần 900 tỷ đồng đã chính thức được khởi công. Với vị trí thuận lợi, được đầu tư đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, các CCN này được kỳ vọng sẽ phát triển thành các cụm logistics xanh, thông minh và khu vực hóa chuỗi cung ứng...

Nằm kề Khu công nghiệp Yên Bình, các CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 có điều kiện thuận lợi để dễ dàng là thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động và giá trị gia tăng cao…  

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần SAIGONTEL - chủ đầu tư các CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2 và Lương Sơn, khẳng định: SAIGONTEL đã vạch ra chiến lược phát triển các CCN theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Các CCN được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khả năng cung ứng điện, viễn thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải cùng những dịch vụ hỗ trợ… Từ đó, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của một CCN hiện đại, phát triển bền vững, giúp nhà đầu tư yên tâm chọn lựa.

Ông Tâm nói thêm, trong suốt quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và đi đến quyết định đầu tư vào dự án quan trọng này, SAIGONTEL luôn nhận được sự tin tưởng, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và TP. Phổ Yên để triển khai đầu hạ và thu hút các dự án thứ cấp theo đúng định hướng.

Quy hoạch tổng thể Cụm công nghiệp Tân Phú 1 (TP. Phổ Yên).

Phát biểu tại Lễ khởi công CCN Tân Phú 1, CCN Tân Phú 2 và động thỏ CCN Lương Sơn được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá: Thái Nguyên là một trong những tỉnh ở khu vực phía Bắc đang phát triển mạnh ngành Công nghiệp và có sự đột phá về hoạt động thu hút đầu tư vào các khu, CCN.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng bày tỏ kỳ vọng 3 CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2 và Lương Sơn sẽ được nhà đầu tư sớm hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, trở thành những CCN kiểu mẫu của cả nước.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Thái Nguyên đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.067ha. CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 là hai trong số 6 CCN mới được tỉnh bổ sung quy hoạch và nhanh chóng được triển khai xây dựng. Sự hình thành và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân tại các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là: hoạt động thu hút đầu tư chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, phức tạp; một số dự án chưa thu hồi đất để triển khai thực hiện; kế hoạch sử dụng đất và công tác đề xuất tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất chưa kịp thời; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng một số CCN còn chậm, ảnh hưởng đến môi trường và thu hút đầu tư vào tỉnh...

Quy hoạch tổng thể Cụm công nghiệp Tân Phú 2 (TP. Phổ Yên).

Nhằm cụ thể hóa định hướng của tỉnh về phát triển các CCN theo chiều sâu, cũng như dịch chuyển quy hoạch các CCN trên địa bàn theo hướng từ vùng khó khăn đến các địa phương có điều kiện hạ tầng và tiềm năng thu hút đầu tư tốt hơn, trong năm 2022, tỉnh Thái Nguyên còn đưa ra khỏi quy hoạch 5 CCN và giảm diện tích quy hoạch đối với 3 CCN.

Đối với các CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng, đều đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm đi vào hoạt động. Hiện, 22 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, với 65 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 9.400 tỷ đồng.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong thu hút đầu tư, Thái Nguyên có quan điểm rõ ràng, phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; không thu hút các dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, để thu hút doanh nghiệp vào khu, CCN, Thái Nguyên cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu thực hiện dự án. Đồng thời vận dụng chế độ, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và cơ chế đặc thù của tỉnh để có những ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo động lực, đột phá trong phát triển công nghiệp.

"Đây cũng chính là một trong 6 khâu đột phá để hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030" - đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.