Nếu như 5 năm trước, dư nợ cho vay hộ nghèo luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn cho vay các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, thì từ năm 2018 đến 2021, nguồn vốn chương trình này liên tục giảm và có xu hướng tăng trở lại trong năm 2022.
Cụ thể, năm 2017, dư nợ cho vay hộ nghèo của NHCSXH tỉnh là gần 1.026 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), chiếm 34% trong tổng dư nợ, với 26,3 nghìn hộ vay vốn. Đến cuối năm 2021, dư nợ chương trình này chỉ còn trên 466 tỷ đồng, chiếm 12,4% trong tổng dư nợ, với xấp xỉ 10 nghìn hộ vay.
Anh Dương Nghĩa Tiến, ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương (Phú Bình) được vay 100 triệu đồng vốn hộ nghèo từ năm 2018 để đầu tư xưởng mộc. Hiện nay gia đình anh đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. |
Sở dĩ có xu hướng giảm nêu trên là do tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua giảm mạnh, từ 13,4% (năm 2016) còn 2,16% (năm 2021). Chính vì thế, số hộ vay vốn chương trình này cũng giảm theo. Các hộ sau khi thoát nghèo đã chuyển sang vay vốn hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hiện nay, dư nợ cho vay 2 chương trình này lần lượt là 595 và 561 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 6-2022, sau khi tỉnh rà soát xong danh sách hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2022-2025, với tỷ lệ hộ nghèo là 6,14% (tương ứng với 20.595 hộ) thì dư nợ cho vay hộ nghèo có xu hướng tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 11, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 566 tỷ đồng (tăng hơn 100 tỷ đồng so với cuối năm 2021), chiếm tỷ lệ 13,8% trong tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh.
Đến nay, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý là 4.140 tỷ đồng, tăng 392 tỷ đồng so với cuối năm 2021, thực hiện cho vay theo 19 chương trình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin