Phần lớn cư dân xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) có quê gốc ở tỉnh Nam Định. Bởi vậy, khi di cư đến Thái Nguyên, không ít người vẫn giữ được nghề làm bún, bánh truyền thống. Với bí quyết riêng và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nên bún, bánh Gò Chè có “chất” riêng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đời sống của người dân nơi đây vì thế cũng ngày càng ấm no.
Việc ngâm và vo gạo được người dân ở Làng nghề bún, bánh Gò Chè, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) thực hiện kỳ công. |
Ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn, cho biết: Người dân ở Gò Chè có nguồn thu nhập chính từ nghề làm bún, bánh cuốn. Cả xóm có hơn 200 hộ dân thì ¼ có tay nghề cao làm trực tiếp, còn lại, bà con nhập từ những cơ sở khác để phân phối ra thị trường. Bún, bánh ở Gò Chè dẻo, dai, ngon lại không sử dụng phụ phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở TP. Thái Nguyên hay một số địa phương lân cận, tại các chợ, nhà hàng, quán ăn, phần lớn là dùng bún, bánh ở đây.
Nói về nguồn gốc của nghề, ông Đỗ Văn Cử - người có “thâm niên” làm bún, bánh ở Gò Chè, chia sẻ: Từ năm 1950, chúng tôi đã theo cha ông từ Nam Định lên Thái Nguyên lập nghiệp. Sau đó không lâu, một số gia đình bắt đầu tiếp nối nghề truyền thống của quê hương là làm bún và bánh cuốn. Thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân ở xóm đã đi học nghề để làm. Thời điểm đông nhất (khoảng năm 1980), ở Gò Chè có tới hơn 100 hộ dân làm nghề. Để ghi nhận và khuyến khích phát triển nghề làm bún, bánh, năm 2010, UBND tỉnh đã công nhận Gò Chè là Làng nghề truyền thống cấp tỉnh.
Nói về các kỹ thuật để tạo nên “đặc trưng” của bún, bánh Gò Chè, bà con ở đây cho hay: Làm bún không được tiết kiệm nước. Để bún không bị chua và có màu trắng ngọc thì gạo vo phải sạch đến khi nước trong veo mới đem xay bột. Bột nước sau khi xay còn phải vắt khô rồi mới cho vào máy để làm bún. Khâu chọn gạo làm bún, người dân ở Gò Chè cũng rất cẩn thận. Để có sợi bún dẻo, dai thì loại gạo được sử dụng phải dẻo nhưng khô, không bị lẫn tạp.
Với bánh cuốn, khâu chọn gạo cũng như trên nhưng quy trình làm lại đơn giản hơn. Gạo sau khi vo sạch, ngâm 4-5 tiếng được đem đi xay bột nước. Theo người dân, làm bánh cuốn phức tạp nhất ở khâu trộn tỷ lệ nước với bột và điều chỉnh nhiệt độ, thời gian ủ bánh chín. Nếu chưa đủ thời gian, nhiệt độ thì bánh dễ bị sống và ngược lại, nếu quá lửa thì bánh nát, hỏng.
Được chính những người có tay nghề, kinh nghiệm nhiều năm chế biến nên bún, bánh ở Gò Chè có độ dẻo, dai và giòn vừa phải; bún và bánh có màu trắng ngọc. Đặc biệt, người làm nghề ở Gò Chè không sử dụng bất kỳ một phụ phẩm nào trong quá trình sản xuất để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bình quân mỗi tháng, người dân Làng nghề xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn bún, bánh.
Làng có nghề nên nhiều lao động ở địa phương cũng nhờ đó mà có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Hiện nay, có tới 90% cư dân ở Gò Chè làm nghề và kinh doanh bún, bánh. Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn Đoàn Việt Dũng cho biết thêm: Thu nhập của người dân ở Làng nghề bún, bánh Gò Chè nằm trong “tốp" cao của xã, với gần 50 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân đầu người ở xã Cao Ngạn đạt trên 40 triệu đồng/người/năm).
Để tiếp tục duy trì nghề đồng thời nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân từ nghề làm bún, bánh, xã Cao Ngạn đang có ý tưởng phát triển thêm lĩnh vực du lịch trải nghiệm tại Gò Chè. Theo đó, du khách có thể đến tận nơi, tham quan và trực tiếp trải nghiệm quy trình làm bánh, bún và thưởng thức tại chỗ. "Tuy nhiên, để đý tưởng này thành hiện thực cần các phòng, ban, cơ quan chức năng liên quan của tỉnh, thành phố Thái Nguyên quan tâm, hỗ trợ." - ông Đoàn Việt Dũng nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin