Làm giàu từ nghề cha truyền

Ngọc Chuẩn 07:49, 06/03/2023

Ông Đặng Quang Tân, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2022. Trước đó, sản phẩm miến của gia đình ông nhiều lần được các cấp, ngành chức năng của tỉnh khen thưởng. Ông chia sẻ: Làm miến là nghề cha truyền nên tôi có lợi thế về kinh nghiệm. Nhưng để sản phẩm "sống" được trên thương trường, tôi không ngừng đổi mới, kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng...

8 lao động thường xuyên tại cơ sở sản xuất miến dong của ông Đặng Quang Tân có mức thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
8 lao động thường xuyên tại Cơ sở sản xuất miến dong của gia đình ông Đặng Quang Tân có mức thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như nhiều nông hộ ở xóm Việt Cường, gia đình ông Tân thường chỉ làm miến vào các dịp lễ, Tết. Thời gian còn lại trong năm dành để tập trung cho việc cấy lúa, trồng màu hoặc rủ nhau đi làm thợ hồ... Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Còn từ hơn 10 năm nay, làm miến đã trở thành công việc mỗi ngày của gia đình ông, với sự tham gia của 8 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Từ nhỏ, ông Tân đã chứng kiến cha mẹ mình làm miến. Đó là những ngày gia đình bận rộn, mỗi người một việc, ríu rít với việc rửa củ dong, xay bột, nổi lửa, nấu, ép sợi, phơi miến lên sào và đóng gói sản phẩm. Đến đời ông cũng thế, lặp lại cách làm như cha mẹ mình. Do cách làm thủ công nên năng suất thấp, chất lượng sản phảm không đều, không ít lần sản phẩm bị các đại lý mang trả lại hoặc mua với giá thấp.

Nhiều đêm không ngủ, ông Tân trăn trở: Phải làm khác, chứ không thể lặp lại những gì không còn phù hợp. Hơn nữa, muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, giải pháp tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn là làm miến.

Nghĩ vậy nên năm 2000, ông Tân quyết định đầu tư cho cơ sở làm miến của gia đình bài bản hơn. Bắt đầu là việc xây sửa lại khu vực sơ chế tinh bột; sắm mới dụng cụ chế biến mới, hiện đại hơn. Sân phơi miến cũng được mở rộng từ 1.000m2 lên 3.000m2.

Ông cho biết: Từ năm này, tôi sản xuất miến bài bản, từng công đoạn chế biến đều có máy móc thiết bị hỗ trợ, bảo đảm sản xuất an toàn và an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, sân phơi miến sạch sẽ, không tạm bợ như trước. Cũng từ năm 2000, sản lượng miến đạt 50 tấn/năm, trước đó chỉ khoảng 20 tấn/năm.

Tập trung cho làm miến, đời sống kinh tế của gia đình ông không chỉ ổn định hơn, mà còn trở thành hộ sản xuất giỏi ở địa phương. Qua trao đổi chúng tôi được biết, để sản phẩm miến của gia đình đạt chất lượng cao, khi nấu có độ dai, giòn, ngon miệng, ông Tân tích cực tham gia các lợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chế biến thực phẩm do Hội Nông dân phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Ông cũng không ngần ngại đến các hộ làm miến có kinh nghiệm trong vùng để học hỏi; đồng thời lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ năng sản xuất miến do các nhà khoa học chia sẻ. Nhờ đó ông liên tục gặt hái được thành công.

Không dừng lại ở đó, năm 2018, ông Tân tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm thêm một số máy móc, thiết bị công nghệ cao như: máy ép miến, máy cắt miến và hệ thống sân phơi tự động, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Qua đó, nâng sản lượng miến lên 70 tấn/năm.

Hỏi về thu nhập, ông Tân không giấu diếm: Trừ các khoản chi phí đầu tư và trả lương hằng tháng cho người lao động, năm 2022 tôi lãi hơn 700 triệu đồng, cao hơn 50 triệu đồng so với năm 2021 và cao hơn 70 triệu đồng so với năm 2020. Ngoài miến, gia đình tôi còn vườn cây ăn quả cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm…

Có mặt ở đó, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hóa Thượng Lâm Văn Đức nói thêm: Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Tân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Ông hăng hái đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ hộ khó khăn về vốn đầu tư, kinh nghiệm sản xuất và tạo được nhiều việc làm cho lao động.



Tìm hiểu mbti và cách áp dụng giám sát an toàn là gì