Du lịch trải nghiệm vùng chè: Chưa xứng với tiềm năng

Lương Hạnh 16:57, 18/06/2023

Vài năm trở lại đây, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã phát triển hình thức du lịch sinh thái, bước đầu cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, loại hình du lịch này vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng đất “Đệ nhất danh trà”.

Du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa tham quan, trải nghiệm tại HTX Tâm Trà Thái, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).
Du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa tham quan, trải nghiệm tại HTX Tâm Trà Thái, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Tiềm năng và cơ hội phát triển

Khi có dịp đến Thái Nguyên, nhiều du khách mong muốn được ngắm những đồi chè xanh ngát, được trải nghiệm các công đoạn thu hái, chế biến, được thưởng thức chè đặc sản và mua chè về làm quà biếu, tặng.

Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đã đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Có thể kể tên một số cơ sở tiêu biểu như: HTX Chè Hảo Đạt; HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX Chè trung du Tân Cương, HTX Tâm Trà Thái…

Đặc biệt, năm 2023, tin vui đến với người dân vùng chè Tân Cương là việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” thuộc danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với người dân, góp phần quảng bá chè đặc sản Tân Cương để phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên: Để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng chè đặc sản, bà con đã bắt đầu liên kết với nhau để cùng sản xuất chè an toàn. Ngoài ra, Liên hiệp HTX Du lịch cộng đồng Tân Cương (gồm 4 hợp tác xã làm du lịch trải nghiệm) cũng mới được công nhận và đi vào hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên: Để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng chè đặc sản, bà con đã bắt đầu liên kết với nhau để cùng sản xuất chè an toàn. Ngoài ra, Liên hiệp HTX Du lịch cộng đồng Tân Cương (gồm 4 hợp tác xã làm du lịch trải nghiệm) cũng mới được công nhận và đi vào hoạt động.

Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, chia sẻ: Nằm trên tuyến đường đi vào Khu du lịch hồ Núi Cốc nên chúng tôi đã đầu tư cải tạo, xây dựng khu đón tiếp khang trang với sức chứa lên tới 1 nghìn người. Khi đến tham quan, trải nghiệm, du khách được thưởng thức trà ngon, ăn kẹo lạc miễn phí, được nghe hát Then, đàn Tính do chính thành viên HTX biểu diễn.

Không chỉ riêng Tân Cương, vùng chè La Bằng (xã La Bằng, Đại Từ) cũng là địa điểm thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức chè đặc sản và du lịch trải nghiệm tại các đồi chè, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của suối Kẹm. Ngoài tắm suối, du khách còn được thưởng thức món cá tầm, rau rừng do chính người dân bản địa nuôi trồng.

Ngoài Tân Cương, La Bằng, mô hình du lịch cộng đồng sinh thái vùng chè còn được phát triển ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, như: Tức Tranh (Phú Lương), Phú Đình (Định Hóa), Bình Sơn (TP. Sông Công), Minh Lập, Hòa Bình (Đồng Hỷ)… 

Với diện tích hơn 22.300ha, các khu vực trồng chè quy mô lớn trong tỉnh đã và đang tích cực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng dựa trên lợi thế, tiềm năng sẵn có.

Cùng với đó, Thái Nguyên có Khu du lịch sinh thái hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà; Khu di tích đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… cũng là các địa điểm thu hút du khách.

Ngoài ngắm những đồi chè xanh mướt, du khách đến với vùng chè La Bằng (Đại Từ) còn rất thích thú với suối Kẹm.
Ngoài ngắm những đồi chè xanh mướt, du khách đến với vùng chè La Bằng (Đại Từ) còn rất thích thú với suối Kẹm.

Chưa “giữ chân” được du khách

Mặc dù có lợi thế lớn nhưng hầu hết các hoạt động du lịch trải nghiệm vùng chè trên địa bàn tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Các mô hình mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản; các dịch vụ bổ trợ khác chưa được quan tâm đầu tư.

Anh Nguyễn Văn Thắng, du khách đến từ Sơn Tây (Hà Nội), nói: Tôi rất ấn tượng với những đồi chè uốn lượn, phong cảnh đẹp, không khí trong lành, người dân thân thiện, mến khách. Đặc biệt, sản phẩm chè tại đây có hương thơm, vị chát, ngọt hậu, vấn vương lòng người. Tuy nhiên, khi lưu trú qua đêm thì không có hoạt động gì.

Còn anh Nguyễn Văn Tới, chủ Homestay La Bằng, ở xã La Bằng (Đại Từ), cho biết: Vào mùa Hè, ngày nào chúng tôi cũng có khách đến tham quan và thường rất đông khách vào ngày cuối tuần, những dịp nghỉ lễ, tết. Tôi luôn chú trọng chỉnh trang cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, giữ không gian trong lành, sạch sẽ để khách đến du lịch được thư giãn, thoải mái. Tuy nhiên, đa phần khách chỉ đến và về trong ngày, lượng khách lưu lại qua đêm rất ít…

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy các điểm du lịch trải nghiệm sinh thái nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển những sản phẩm dịch vụ thương mại, ăn uống, nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu kéo dài thời gian lưu trú cho khách.

Chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm tham quan, trải nghiệm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách như: Thiếu sân bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quà tặng lưu niệm; nhà hàng ăn uống...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thiếu tính chuyên nghiệp; các điểm đến du lịch chưa có cơ chế và sự gắn kết với các công ty lữ hành để khai thác thị trường, nguồn khách đến. Người dân chưa có kinh nghiệm cũng như chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về dịch vụ du lịch.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh dự ước đạt khoảng 550.000 người, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ bằng 58% so với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19).

Đâu là giải pháp?

Có thể khẳng định, phát triển du lịch sinh thái tại các vùng chè không chỉ tạo sinh kế cho người nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan môi trường sinh thái, tạo sự gắn kết cộng đồng.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đó cần nhóm giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền, ngành chức năng, các công ty lữ hành du lịch và người dân vùng chè.

Các địa phương, đơn vị chủ quản các khu, điểm du lịch trên địa bàn cần sớm có kế hoạch đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất còn thiếu hoặc đã xuống cấp.

Ông Hoàng Văn Quý, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên: Các khu, điểm du lịch cần quan tâm phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để có hợp đồng đưa, đón du khách theo tour đến tham quan, trải nghiệm, như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Ông Hoàng Văn Quý, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên: Các khu, điểm du lịch cần quan tâm phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để có hợp đồng đưa, đón du khách theo tour đến tham quan, trải nghiệm, như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch trải nghiệm sinh thái, văn hóa và nông nghiệp của Thái Nguyên bằng nhiều hình thức.

Ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng (Đại Từ), thông tin: Để phát triển du lịch bền vững, chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang đồi chè sạch, đẹp; đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường trong lành và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu nghỉ qua đêm của du khách.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, công nhận ít nhất 5 điểm du lịch cấp tỉnh, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn; xây dựng, hình thành các tuyến điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - giải trí khu vực hồ Núi Cốc.

Mục tiêu của Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: Phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng cao.

Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản sẵn có; huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch khám phá hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà.

Cùng với đó là tập trung xây dựng một số sản phẩm bổ trợ có sức hấp dẫn như sân golf, không gian trà, phố đêm; huy động sự tham gia của người dân, các nhà đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án của tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch.

Các điểm du lịch trải nghiệm vùng chè Tân Cương:

Không gian văn hóa trà Tân Cương;

HTX Chè Hảo Đạt;

Nhà thờ Tân Cương;

HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên;

Chùa Y Na;

HTX Tâm Trà Thái;

HTX Chè Trung du Tân Cương;

Hồ Núi Cốc.