Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành (2 lần trong tháng 3; 1 lần vào cuối tháng 5). Theo đó, mức giảm tương ứng khoảng 1,5%/năm; áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; từ 1 đến dưới 6 tháng là 5%/năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân vay vốn cho rằng mức lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao, người vay chưa được hưởng lợi nhiều từ việc điều chỉnh này.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào tình trạng khó khăn và mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện lãi suất cho vay thông thường đang được khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Nhà nước áp dụng đối với DN ở kỳ ngắn hạn là khoảng 8,5-9,8%/năm (tùy ngân hàng và khách hàng), còn kỳ trung hạn khoảng trên dưới 11%/năm. Đối với các ngân hàng TMCP đại chúng, lãi suất thường cao hơn 1-2,5%/năm (tùy ngân hàng). Đối với cho vay hộ kinh doanh và khách hàng tiêu dùng, mức lãi suất cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh là 1-2%.
So với cuối năm 2022, mức lãi suất hiện nay đã hạ nhiệt trung bình 0,3-1%/năm và việc tiếp cận nguồn vốn cũng đã trở nên thuận lợi hơn. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho các DN.
Khi được hỏi, cơ bản các DN đều cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế ổn định, phát triển thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động trung bình từ 7-9%/năm là phù hợp (tùy lĩnh vực, ngành nghề). Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mức lãi suất hiện tại được cho là cao và cần tiếp tục giảm hoặc có các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thành Hưng Thái Nguyên, cho biết: Tôi đang vay 2 khoản ngắn hạn tại một ngân hàng. Được giảm lãi suất, tôi rất phấn khởi vì sẽ góp phần giúp DN giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức lãi suất hiện vẫn khá cao đối với DN và việc giảm lãi suất còn chậm.
Thực tế cho thấy, trong hoạt động của các DN, lãi suất ngân hàng đóng một vai trò quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Nếu DN làm ăn tốt, hoạt động ổn định thì việc tăng hay giảm lãi suất 1%/năm của ngân hàng không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng trong bối cảnh phần lớn các DN đều rất ít việc làm thì đây lại là vấn đề không đơn giản.
Theo ông Nguyễn Văn Đăng, chủ hộ kinh doanh cửa hàng tạp hóa ở phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên): Mặc dù trên danh nghĩa tôi mới được vay vốn của một ngân hàng với mức lãi suất là 7,5%/năm. Tuy nhiên, do tôi phải mua bảo hiểm tiền gửi và trả một số khoản phí theo yêu cầu của ngân hàng nên tính ra lãi suất vay của tôi vẫn là 9,39%/năm. Mức lãi suất này vẫn rất cao trong bối cảnh hàng hóa ế ẩm như những tháng qua.
Cũng phải vay vốn với mức lãi suất trên dưới 9,5%/năm (tùy ngân hàng) nhưng Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan may mắn hơn vì thuộc diện đối tượng đủ điều kiện được hưởng mức hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ đó, Công ty có điều kiện tốt hơn để "vực dậy" sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Tài chính Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, chia sẻ: Với hơn 200 đầu xe đang hoạt động, dư nợ của chúng tôi tại ngân hàng khá lớn. Nếu chúng tôi phải trả lãi suất 9-10%/năm thì DN sẽ rất khó khăn. Với việc được hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP đã giúp Công ty giảm đáng kể gánh nặng về chi phí tài chính.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, cho rằng: Các chính sách đưa ra bao giờ cũng có độ trễ, nên việc giảm lãi suất của các ngân hàng cần có thời gian. NHNN vẫn đang tiếp tục muốn hạ thêm mức lãi suất huy động nhưng phải theo lộ trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư địa để giảm lãi suất không nhiều, các DN, hộ kinh doanh cũng cần có kế hoạch về nguồn vốn sao cho phù hợp. Từ đó không quá lệ thuộc vào nguồn vốn cũng như lãi suất vay, đồng thời tránh những tác động khó kiểm soát có thể xảy đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin