Quang Sơn biến điểm bất lợi thành lợi thế

Minh Phương 09:25, 15/06/2023

Cách trung tâm huyện hơn 10km về phía Tây, Quang Sơn vốn là một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Đồng Hỷ, với nhiều bất lợi về địa hình (chủ yếu là đồi núi, đồng bãi không bằng phẳng). Để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để biến chính những bất lợi trở thành thế mạnh của vùng bán sơn địa này.

Cây na bén rễ trên núi đá xóm La Giang từ năm 2012 đến nay, góp phần cải thiện cuộc sống người dân
Cây na bén rễ trên núi đá xóm La Giang, xã Quang Sơn, từ năm 2012 đến nay, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Nhiều năm qua, những dãy núi đá vôi sừng sững, chiếm đa phần diện tích tự nhiên ở xã Quang Sơn, được ví như "tấm rào chắn" khiến người dân nơi đây khó cấy lúa, trồng ngô. Địa hình bị chia cắt khiến bà con không chủ động được nguồn nước tưới cho sản xuất, nên năng suất thấp, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Phải đến giai đoạn 2010-2020, Cụm công nghiệp Quang Sơn 1 được huyện Đồng Hỷ quy hoạch tại xóm Thống Nhất, với diện tích 15,3ha đã từng bước thay đổi diện mạo của mảnh đất này. Đây là cụm công nghiệp tập trung, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì, công nghiệp gia công và một số ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác phù hợp với với quy hoạch của địa phương.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất CACO3 Quang Sơn được UBND tỉnh chấp thuận là nhà đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Quang Sơn 1, với tổng vốn đầu tư trên 75.000 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2021 đến hết năm 2023. Thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày quyết định thành lập cụm công nghiệp có hiệu lực.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Quang Sơn còn có 9 điểm mỏ khai thác đá, 1 điểm mỏ khai thác đất san lấp, 1 nhà máy sản xuất xi măng… Từ khi các nhà máy, điểm mỏ này được cấp phép khai thác, hoạt động đã góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện Đồng Hỷ; tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, nhờ lợi thế nằm giáp ranh với xã La Hiên (Võ Nhai) - vùng trồng na nổi tiếng của tỉnh, nên bà con các xóm: La Giang, Trung Sơn đã mạnh dạn đưa cây na về trồng trên đồng đất Quang Sơn. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng, do bà con chưa biết cách chăm sóc nên quả na nhỏ, chất lượng không được như ở La Hiên.

Từ năm 2016, khi Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống của tỉnh được triển khai, 2 xóm La Giang và Trung Sơn được tiếp nhận nguồn hỗ trợ giống cây, phân bón và được tập huấn khoa học kỹ thuật. Từ đó, các hộ dân được hướng dẫn tập trung chăm sóc, phát triển loại cây trồng này. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ một vài ha ban đầu, đến nay, toàn xã Quang Sơn đã có gần 50ha trồng na. Chất lượng na Quang Sơn hiện nay được đánh giá là không hề thua kém na La Hiên đã nổi tiếng bấy lâu.

Ông Đinh Ngọc Duyển, Trưởng xóm La Giang, chia sẻ: Những núi đá ở Quang Sơn rất phù hợp với cây na. Thực tế, bà con trong xóm đã đưa cây na lên trồng trên những dải núi đá bao quanh xóm từ năm 2012. Tuy nhiên, khi đó, việc chăm sóc chưa được người dân chú trọng nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, bà con chăm sóc cẩn thận hơn nên cho quả na to, ngọt. Đến mùa thu hoạch, tư thương tìm lên tận xóm thu mua, giá na trung bình ở mức 20-25 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá. Điển hình như hộ gia đình ông Hứa Văn Phương trồng 8-9 sào na trên núi, mỗi năm cho thu nhập 120-150 triệu đồng. Nhờ trồng na, gia đình ông Phương có điều kiện xây nhà, mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình...

Theo ông Khúc Kim Quảng, quyền Chủ tịch UBND xã Quang Sơn: Nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp biến những hạn chế thành lợi thế, tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân ở xã Quang Sơn đạt 40 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 7,1%; hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...

Thời gian tới, xã Quang Sơn tiếp tục vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi và dịch vụ; nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới... 


Từ khóa:

Quang Sơn

hạn chế

lợi thế