Chuyển đổi số ngân hàng, xây dựng kinh tế số

Theo HNM 12:21, 22/07/2023

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Từ những định hướng cụ thể đó, ngành Ngân hàng đã, đang và luôn nỗ lực cho chuyển đổi số, hướng tới xây dựng kinh tế số.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong.

90% giao dịch thực hiện trên kênh số

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Minh Bình cho biết, VietinBank có 65% sản phẩm, dịch vụ thực hiện hoàn toàn trên kênh số, 97% giao dịch khách hàng được thực hiện qua kênh điện tử. Không riêng VietinBank, chuyển đổi số ngành Ngân hàng được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong và sau đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số. Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; khoảng 74,63% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Trong những tháng đầu năm 2023, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý gần 4,83 tỷ giao dịch với giá trị đạt khoảng 46,82 triệu tỷ đồng, tăng 96,63% về số lượng và 87,30% về giá trị.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Có 82 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua internet và 51 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua mobile. Có 48 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian đang hoạt động trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng phương án kết nối, khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID). Bước đầu, đã có khoảng 25 triệu hồ sơ tín dụng của khách hàng được “làm sạch”. Việc liên thông cơ sở dữ liệu (phối hợp với Bộ Công an) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 sẽ tạo điều kiện cung cấp các dịch vụ chấm điểm tín dụng, xác thực chính chủ, áp dụng sinh trắc học, tăng cường đối phó với việc lợi dụng chiếm đoạt dữ liệu, thực hiện hành vi gian lận.

Đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

Tuy nhiên, phát triển dịch vụ ngân hàng số cũng vấp phải một số khó khăn. Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn, các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng... cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số.

Thách thức cuối cùng nhưng là trở ngại lớn nhất cho công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng hiện nay là xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng. Thực tế hiện nay, tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp xảy ra trong nhiều ngành, lĩnh vực (cờ bạc, lừa đảo, gian lận thương mại, trốn thuế, ma túy, mại dâm…). Tuy nhiên, hoạt động thanh toán chỉ là khâu cuối cùng để hoàn tất một giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, đến cuối năm 2023 sẽ có hàng loạt thay đổi trong hoạt động giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải tăng tính tự chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức tới người dùng để hạn chế tối đa tội phạm.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và là vấn đề mới, khó, phức tạp. Do đó, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; làm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí; chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.