Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… là mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nào vẫn đang là bài toán cần lời giải đối với Thái Nguyên.
Mô hình dâu tây trồng theo công nghệ cao được Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh thực hiện thí điểm tại huyện Đại Từ. |
Bài 1: Bắt nhịp với nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là xu hướng tất yếu của thời đại. Tại Thái Nguyên, mặc dù chưa hình thành các mô hình NNCNC quy mô lớn nhưng cũng đã xuất hiện những nông dân "dám nghĩ, dám làm". Theo đó, nhiều người đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, bước đầu mang lại những kết quả khả quan...
Phương thức sản xuất hiện đại
NNCNC xuất hiện ở tại Việt Nam vào đầu những năm 2000, khi các mô hình canh tác mới có sử dụng nhà lưới, nhà màng (lợp màng Polyethylen), sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hiện nay nhiều người cho rằng, công nghệ cao trong nông nghiệp thường gắn với nhà lưới, nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động, kết hợp bón phân, canh tác thủy canh; trong các nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển nhiệt độ, cảm biến độ ẩm…
Gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện các mô hình trang trại nông nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ như Internet vạn vật, cảm biến, hệ thống định vị, robot và trí tuệ nhân tạo (AI)… để thu thập và truyền các dữ liệu của đất, về không khí, ánh sáng, … được hệ thống phân tích và đưa ra kết luận về trạng thái của đối tượng hoặc quá trình giám sát và xác định các vấn đề tiềm ẩn. Dựa trên các kết quả phân tích này, phần mềm quản lý, người quản lý trang trại quyết định các cách xử lý tiếp theo.
Kết quả là quy trình canh tác thông minh tự động này đạt độ chính xác cao và được kiểm soát 24/7, giúp tiết kiệm đáng kể tất cả các nguồn lực chính của sản xuất như: nước, năng lượng, phân bón và nhân công lao động.
Đặc biệt, chuyển đổi số nông nghiệp hay còn gọi là nông nghiệp điện tử, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng… cung cấp cho ngành Nông nghiệp các công cụ và thông tin nhằm đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả… Từ đó, thức đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ Nông nghiệp, nguyên Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và hoa Đà Lạt, thông tin: Tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã có những mô hình NNCNC không thua kém các nước trên thế giới, ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Có thể kể đến như: mô hình bò sữa của Tập đoàn TH Group (Nghệ An). Trang trại TH chủ yếu là bò cao sản thuần chủng HF, được nhập khẩu từ các nước có nguồn giống tốt, cho năng suất sữa cao, chất lượng như New Zealand, Mỹ… Hay như mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu. Hiện toàn tỉnh có gần 30 công ty, đơn vị đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel…
Hiện nay, trên địa bàn xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) có hơn 10 hộ dân trồng dưa, rau xanh trong nhà lưới. |
Có thể nói, NNCNC, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số đã phát triển rộng khắp các tỉnh, thành của cả nước với nhiều cấp độ khác nhau. Từ đơn giản nhất là trồng cây trong nhà màng, tưới nhỏ giọt, cao hơn một chút là thủy canh rau, hoa và tiếp theo đó là trồng cây, nuôi gia súc gia cầm trong nhà có cảm biến, điều khiển tự động...
Tại Thái Nguyên, phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại này cũng đã manh nha xuất hiện từ gần 10 năm trước. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, nhất là với các nhà vườn sử dụng van xoay tưới tự động; hệ thống chiếu sáng trong nhà kính phục vụ trồng hoa lan…
Thái Nguyên sẵn sàng nhập cuộc
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Thời gian qua, Thái Nguyên đã tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó tập trung chuyển giao, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất an VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ, góp phần hoàn thành các mục tiêu của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trước những đòi hỏi từ thị trường, NNCNC ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thông qua Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nông dân trong tỉnh được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm... |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh đối với các cây trồng chính, cây chủ lực, thế mạnh như: chè, lúa, rau, hoa, cây ăn quả…
Nông dân Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích sử dụng nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động; kỹ thuật canh tác giá thể; công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hữu cơ… Qua đó, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt (năm 2022, đạt 123,2 triệu đồng/ha). Đồng thời, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, cây chè tiếp tục khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện đạt 22,2 nghìn héc-ta, năng suất bình quân đạt 124,7 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi (năm 2022) đạt 260,1 nghìn tấn, giá trị sản phẩm chè sau chế biến đạt 10,4 nghìn tỷ đồng. Diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nhiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4.356,7ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified và hữu cơ đạt 76ha; xây dựng, thiết lập được 29 vùng trồng gắn mã số vùng trồng đạt yêu cầu theo TCCS 774:2020/BVTV và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc...
NNCNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”. |
(Còn tiếp...)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin