Những năm gần đây, TP. Sông Công đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế trang trại, nhất là các trang trại liên kết, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nguồn cung nông sản an toàn cho người dân. Đồng thời, chuỗi liên kết góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nguồn vốn đầu tư và thu nhập của người lao động.
Trang trại chăn nuôi gà sinh sản (với quy mô 16.000 con) và ấp, nở gà giống của gia đình anh Trần Văn Triệu, ở tổ dân phố 4B, phường Phố Cò (TP. Sông Công) cho thu lãi 400 triệu đồng/tháng trở lên. |
Anh Dương Quốc Huy, chủ một trang trại gà ở xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) cho biết: 7 năm nay, gia đình tôi đã liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam để nuôi khoảng 20 nghìn con gà trắng/lứa. Trung bình mỗi năm, trang trại nuôi 5 lứa, lợi nhuận thu về đạt khoảng 160 triệu đồng/lứa. Toàn bộ đầu vào đều do Công ty cung cấp, gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi. Gia đình tôi chỉ lo khâu chuồng trại, chăm sóc. Khi gà đạt trọng lượng xuất chuồng, có doanh nghiệp bao tiêu, mình được trả công nên không phải lo nghĩ về chuyện giá cả trên thị trường lên xuống.
Không chăn nuôi gia công, gia đình anh Trần Văn Triệu, ở tổ 4B, phường Phố Cò, lại quyết định đầu tư trang trại chăn nuôi gà sinh sản và ấp, nở gà giống từ năm 2012. Với quy mô chăn nuôi 16.000 con (gồm cả gà sinh sản và gà hậu bị), mỗi tháng có 8 phiên ấp trứng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 400 triệu đồng/tháng trở lên. Theo anh Triệu, trong chăn nuôi gà sinh sản thì chi phí đầu tư con giống cao hơn, nhưng về lâu dài sản phẩm trứng gà ít phụ thuộc vào thị trường nên rủi ro cũng hạn chế hơn.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, trên địa bàn TP. Sông Công hiện có 110 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Trong đó có 104 trang trại chăn nuôi gà, 6 trang trại chăn nuôi lợn. Điều đáng nói là trong tổng số 104 trang trại chăn nuôi gà thì có tới 100 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty trong và ngoài nước, với quy mô từ 7-20 nghìn con/lứa.
Theo tính toán, doanh thu bình quân của một trang trại hiện nay đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân một trang trại là 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho từ 2-3 lao động/trang trại. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của các trang trại trên địa bàn TP. Sông Công đạt trên 2.000 tỷ đồng. |
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của HTX chăn nuôi xanh, ở phường Lương Sơn (TP. Sông Công). |
Từ thực tế có thể thấy, việc phát triển các trang trại đã góp phần giúp người dân trên địa bàn TP. Sông Công thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo cơ hội làm giàu cho người dân.
Nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng tập trung, mang lại giá trị cao, UBND TP. Sông Công đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại theo Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đầu tư gần 8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt trên 4,3 tỷ đồng, chăn nuôi trên 1,8 tỷ đồng, còn lại là hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trên cơ sở này, thành phố đã thành lập mới được 4 hợp tác xã và 45 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp; xây dựng 22 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, cũng từ thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế trang trại ở TP. Sông Công còn một số khó khăn về nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, việc liên kết giữa các trang trại còn hạn chế…
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Để phát triển kinh tế trang trại theo hướng chất lượng cao, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại; hỗ trợ các trang trại tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất; khuyến khích các chủ trang trại liên kết với doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Về lâu dài, chúng tôi tăng cường thông tin về thị trường để định hướng cho các trang trại sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, gắn với chương trình OCOP. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, liên kết với trang trại để xây dựng các chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao, quản lý an toàn thực phẩm...
Tin rằng, với sự trợ lực kịp thời, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ, kinh tế trang trại trên địa bàn TP. Sông Công sẽ trở thành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin