"Cùng đi, cùng đến, cùng hiệu quả" trong các khu công nghiệp

Nguyên Ngọc 10:46, 22/03/2024

Với phương châm "Cùng đi, cùng đến, cùng hiệu quả", thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, gắn với đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Qua đó tạo niềm tin vững chắc đối với các DN, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cán bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh nắm bắt tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê của Công ty CP Thương mại Logistics Nam Việt tại KCN Sông Công II.
Cán bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh nắm bắt tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê của Công ty CP Thương mại Logistics Nam Việt tại KCN Sông Công II.

Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Cuối năm 2023, nhận thấy nhiều DN có nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn tại Thái Nguyên, Công ty CP Thương mại Logistics Nam Việt đã tìm hiểu các chính sách ưu đãi của tỉnh, khảo sát thực địa và sau đó nộp hồ sơ xin cấp phép Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê để kinh doanh tại KCN Sông Công II, với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng.

Chỉ chưa đầy 1 tháng, với sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý các KCN tỉnh, DN này đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 20/11/2023 và bắt tay triển khai Dự án.

Ông Nguyễn Văn Đích, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Logistics Nam Việt, cho biết: Toàn bộ thủ tục từ cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục thuê đất đến thẩm định thiết kế thi công xây dựng, cấp phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường… đều được Ban Quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn và giải quyết trong thời gian ngắn nhất nên Dự án được triển khai sớm hơn so với kế hoạch. Dự kiến cuối năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng hơn 90.000m2 nhà xưởng để cho thuê, đáp ứng nhu cầu của 10-12 DN, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD, tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động tại KCN Sông Công II.  

Tương tự, Công ty TNHH KHVATEC Thái Nguyên, thuộc Tập đoàn KHVATEC (Hàn QUốc), đầu tư 48 triệu USD vào Dự án sản xuất gia công, lắp giáp linh kiện điện tử tại KCN Điềm Thụy từ năm 2018. Đến giữa năm 2023, DN này có nhu cầu mở rộng sản xuất và được Ban Quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng vốn thêm 25 triệu USD để triển khai dự án thứ 2 tại KCN Yên Bình.

Toàn bộ thủ tục đầu tư và xây dựng nhà xưởng đối với dự án thứ 2 được DN hoàn thành chỉ trong vòng 6 tháng để chính thức vận hành sản xuất từ đầu tháng 1-2024. Hiện, 2 nhà máy của Công ty TNHH KHVATEC đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho trên 2.800 lao động.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai dự án tại các KCN của tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục theo quy định.

Hiện nay, các thủ tục hành chính đều được Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, đảm bảo nhanh chóng, tiện ích cho DN.

Riêng trong năm 2023, Ban đã tiếp nhận trên 1.000 hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành, kết quả 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn. Hiện nay, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được Ban rút ngắn chỉ còn 8 ngày, giảm 7 ngày so với quy với quy định tại Luật Đầu tư; thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 6 ngày, giảm 4 ngày so với quy định; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn 15 ngày, giảm 5 ngày so với quy định…  

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong các hoạt động thường xuyên để giúp cho công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ doanh DN được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Đầu năm 2024, Tập đoàn Trina Solar đã hoàn tất thủ tục cấp phép đầu tư dự án thứ 3 tại KCN Yên Bình, với tổng số vốn đăng ký 454 triệu USD (tương đương 11 nghìn tỷ đồng).
Đầu năm 2024, Tập đoàn Trina Solar đã hoàn tất thủ tục cấp phép đầu tư dự án thứ 3 tại KCN Yên Bình, với tổng số vốn đăng ký 454 triệu USD (tương đương 11 nghìn tỷ đồng).

Nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh

Bên cạnh việc tích cực cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, Ban Quản lý các KCN tỉnh còn thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với DN bằng nhiều hình thức để lắng nghe phản ánh, tiếp nhận và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN. Những hoạt động tích cực đó luôn được các nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.

Cùng với đó, Ban cũng chủ động đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm, đào tạo, tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao; hướng dẫn các DN mới đi vào hoạt động chấp hành các quy định về pháp luật lao động…. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong KCN hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.

Bằng sự chủ động, linh hoạt và nỗ lực, quyết tâm cao,  Ban Quản lý các KCN tỉnh đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn Thái Nguyên là bến đỗ lý tưởng, như: Samsung, Trina solar; Sunny Opotech; Dongwha…

Đây cũng là minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thái Nguyên, trong đó Ban Quản lý các KCN đóng vai trò quan trọng, là nhân tố tích cực tác động mạnh đến hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới, song hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong KCN của tĩnh vẫn tăng trưởng ổn định. Doanh thu của các DN trong quý I-2024 ước đạt 10,854 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 8,15 tỷ USD, tăng 18,29%; nộp ngân sách ước trên 1.400 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho gần 100 nghìn lao động.

Tính riêng 2 tháng đầu năm nay, các KCN tỉnh đã thu hút thêm 6 dự án đầu tư mới, trong đó, 5 dự án FDI và 1 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký là 463 triệu USD và trên 3.985 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban sẽ tích cực triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư. Đồng thời đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ DN; tích cực hơn nữa trong công tác xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài trên tinh thần chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, nhằm thu hút những dự án chất lượng, quy mô vốn lớn, kỹ thuật tiên tiến, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Các dự án này sẽ là những hạt nhân gắn liền với thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ để tạo ra các sản phẩm hoàn thiện hơn tại các KCN trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 5 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.471ha gồm: Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II và Nam Phổ Yên. Các KCN trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được lấp đầy với tỷ lệ trên 90%; thu hút được 307 dự án, trong đó 172 dự án FDI và 135 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký trên 11,3 tỷ USD và 21.233 tỷ đồng.