Thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), tính đến đầu năm 2024, huyện Đồng Hỷ có 35/36 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có chủ thể là hợp tác xã (HTX). Điều này cho thấy các HTX đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương.
Trên địa bàn xã Minh Lập (Đồng Hỷ) hiện có 6 sản phẩm chè của 4 hợp tác xã được chứng nhận OCOP 3-4 sao. Trong ảnh: Người dân xã Minh Lập thu hái chè. |
OCOP là chương trình nhằm phát triển các sản phẩm công nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể, trong đó các chủ thể bao gồm thành phần kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác) và kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất). Đối với Đồng Hỷ, phát huy thế mạnh từ nông nghiệp, tại các địa phương đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mà chủ thể là HTX xây dựng các sản phẩm chủ lực đạt sao OCOP.
Theo thống kê, trong 35 sản phẩm của HTX thì có 23 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao OCOP (gồm 26 sản phẩm chè, 3 sản phẩm miến Việt Cường, 2 sản phẩm trang phục người Dao, 2 sản phẩm măng lục trúc, 1 sản phẩm mật ong Phúc Thành, 1 sản phẩm nem thính Sán Dìu).
HTX măng tre lục trúc MTQ (thị trấn Trại Cau) là 1 trong 6 chủ thể HTX có sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2023. Theo anh Man Văn Tiến, Giám đốc HTX: Nhận thấy măng tre lục trúc rất ngon, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt với gần 15ha tre lục trúc trồng tại địa phương và các xã lân cận nên năm 2020 tôi đã vận động thành lập HTX. Năm 2023, được chính quyền địa phương và ngành chức năng hướng dẫn, khuyến khích, tôi đăng ký 2 sản phẩm măng tươi và măng khô lục trúc tham gia OCOP. Sau khi đạt 3 sao, sản phẩm của HTX dễ dàng cung ứng đến một số siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh, giá bán măng tươi cao hơn 20 nghìn đồng/kg, măng khô đạt 1,5 triệu đồng/kg. Năm nay, tôi tiếp tục tham gia OCOP với sản phẩm mới “măng lục trúc MTQ hấp chín”.
Hợp tác xã măng tre lục trúc MTQ ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) có 2 sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP năm 2023. |
Với diện tích trên 3.900ha, chè là cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương trong huyện và trở thành sản phẩm chính trong "sân chơi" OCOP của nhiều HTX. Đơn cử như HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu), với 20 thành viên và 200 hộ dân liên kết, vùng nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của HTX đã được phát triển lên gần 70ha. Đây là lợi thế giúp HTX ngay từ lần đầu tham gia Chương trình OCOP năm 2019 đã có 2 sản phẩm đạt 3 và 4 sao.
Tính đến nay, đơn vị đã có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận 3-4 sao OCOP. HTX không chỉ quan tâm xây dựng mới sản phẩm tham gia OCOP mà còn chú trọng đánh giá, xếp hạng lại các sản phẩm sau thời gian 36 tháng công nhận.
Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX, cho hay: Năm 2020, HTX có 2 sản phẩm được công nhận 4 sao OCOP thì năm 2023 HTX đã làm hồ sơ đánh giá, xếp hạng lại và tiếp tục được chứng nhận 4 sao. Tôi nghĩ việc xếp hạng lại sẽ góp phần khẳng định thêm uy tín chất lượng, cũng như tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm của HTX.
Có thể thấy, với lợi thế trong tập hợp, liên kết các thành viên, hộ sản xuất và mở rộng vùng nguyên liệu, HTX trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương. Nhất là khi mô hình HTX gắn liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành quan tâm.
Theo ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Năm 2024, huyện phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Với trên 90 HTX đang hoạt động, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX phát huy thế mạnh của từng xã, thị trấn trong xây dựng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt sao OCOP; hướng dẫn các chủ thể công nhận lại và nâng hạng sao đối với sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của huyện...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin