Cộng đồng bảo vệ rừng kỳ vọng về tín chỉ carbon 

Hoàng Hưng 08:45, 26/06/2024

Đầu năm 2024, Việt Nam lần đầu tiên nhận 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ carbon rừng từ Ngân hàng Thế giới, đánh dấu một bước tiến lớn tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Tại huyện vùng cao Võ Nhai, cộng đồng người dân được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên kỳ vọng có thể nâng cao thu nhập và năng lực bảo vệ rừng bền vững thông qua khai thác, bán tín chỉ carbon.

Qua phương pháp tính mẫu, trung bình 1ha rừng trồng cây gỗ lớn trong diện tích quản lý của Hợp tác xã Ba Nhất tăng trưởng thêm 2m3/năm.
Qua phương pháp tính mẫu, trung bình 1ha rừng trồng cây gỗ lớn trong diện tích quản lý của Hợp tác xã Ba Nhất tăng trưởng thêm 2m3/năm.

Với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2016, hàng nghìn hộ dân tại các xã phía Nam của huyện Võ Nhai đã tham gia Dự án: Xây dựng năng lực cho cộng đồng dân tộc thiểu số sẵn sàng tham gia chủ động vào lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng, quản lý tài nguyên rừng bền vững (gọi tắt là REDD+). 

6 hợp tác xã (HTX) lâm sinh nhận ủy quyền từ người dân để triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Theo định hướng của Dự án, việc bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng không chỉ để quản lý tài nguyên bền vững mà còn giúp người dân bảo đảm thu nhập từ rừng. Trong đó, việc cung cấp các tín chỉ carbon là một trong những mục tiêu được đề cao.

HTX Ba Nhất là một trong những đơn vị triển khai tốt dự án REDD+. Từ năm 2016, khi nhận ủy quyền quản lý diện tích rừng cộng đồng và được hỗ trợ bằng kinh phí từ WB thông qua Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng cao - CERDA (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam), HTX đã triển khai Dự án với nhiều giải pháp hiệu quả, hướng tới mục tiêu hồi phục diện tích rừng tự nhiên đã bị xâm hại từ trước.

Đến nay, toàn bộ diện tích 218ha rừng tự nhiên do HTX quản lý đều phát triển tốt, đa dạng về thảm thực vật. Theo đánh giá của CERDA qua phương pháp tính mẫu, trung bình mỗi héc-ta cây gỗ lớn ở đây tăng trưởng thêm 2m3 gỗ/năm. Hiện, trữ lượng gỗ trong diện tích rừng kể trên đạt gần 19.000m3. Nhiều cây gỗ quý, cây thuốc chữa bệnh tái sinh và nhiều loài động vật xuất hiện phong phú hơn tại khu vực này.

Ông Lý Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Ba Nhất, cho biết: Với thông tin những tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu đã làm bà con hết sức vui mừng. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp CERDA đánh giá khả năng hấp thụ carbon hằng năm từ diện tích rừng được bảo vệ. Từ đó quy đổi ra tín chỉ carbon để đăng ký xuất khẩu ra các nước phát triển.

Theo ước tính sơ bộ, với 218ha diện tích được bảo vệ, HTX Ba Nhất có thể được chứng nhận trên 10.000 tín chỉ carbon mỗi năm và thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Lý Thanh Sơn, Trưởng Ban kiểm soát HTX Ba Nhất, chia sẻ: Việc duy trì với kinh phí hạn hẹp khiến thành viên các tổ bảo vệ rừng rất khó khăn trong việc tuần rừng, kiểm soát người xâm nhập vào rừng. Chúng tôi hy vọng sớm được đánh giá cụ thể về trữ lượng cũng như phương án xuất khẩu tín chỉ carbon để có thêm kinh phí hoạt động và giúp thành viên HTX nâng cao thu nhập.

Cùng với Ba Nhất, 5 HTX lâm sinh trên địa bàn huyện Võ Nhai gồm: HTX Hòa Bình (xã Bình Long); HTX Tràng Xá (xã Tràng Xá), HTX Dân Tiến (xã Dân Tiến), HTX Phương Giao và HTX Xuất Tác (xã Phương Giao) đều triển khai có hiệu quả dự án REDD+ với 119 tổ tự quản, gần 2.200 thành viên được giao quản lý hơn 3.500ha rừng tự nhiên là rừng núi đá. Ước tính, tại diện tích trên đã có trữ lượng gỗ đạt trên 300.000m3.

Ông Hà Trung Thông, Giám đốc HTX Hòa Bình, chia sẻ: Thành viên HTX Hoà Bình từ lâu kỳ vọng được tham gia cung ứng tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế. Mặc dù kinh phí hạn hẹp, chúng tôi vẫn duy trì tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tới đây, HTX sẽ đề nghị CERDA đánh giá khả năng hấp thụ carbon hằng năm từ diện tích rừng được bảo vệ để quy đổi ra tín chỉ carbon và hỗ trợ bà con xuất khẩu ra thế giới qua WB.

Còn ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: Đây là tín hiệu tốt đối với công tác quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên. Hiện nay, địa phương đang phối hợp với đơn vị có thầm quyền để đánh giá, tiến tới cấp chứng chức chỉ FSC cho các diện tích rừng tự nhiện được bà con quản lý và bảo vệ. Đây là bước đi đầu tiên và quan trọng để hỗ trợ bà con kết nối với các đơn vị trung gian tìm hướng xuất khẩu tín chỉ carbon, đem lại nguồn thu nhập, qua đó bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn.