Người mang chè đi xa hơn

Chí Cường 09:35, 26/09/2024

Từ một hộ nghèo, chật vật lo cái ăn, cái mặc, gia đình chị Đinh Thị Thúy (ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) đã vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Chị chia sẻ: Tôi mang chè Thái Nguyên đi xa hơn, vì 100% sản phẩm được bán cho các đại lý ngoài tỉnh. Để bạn hàng hợp tác lâu bền, yên tâm sử dụng, gia đình tôi luôn coi trọng chất lượng sản phẩm...

Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chị Đinh Thị Thúy (bên phải, ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong vùng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chị Đinh Thị Thúy (bên phải, ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong vùng.

Thị trường - đầu ra cho sản phẩm - là điều bà con nông dân vùng chè quan tâm số một. Chị Thúy cũng thế, luôn trăn trở việc mình làm chè bán cho ai. Nghĩ “nát nước”, rồi chị cũng tạo được cho mình một thị trường riêng, đó là các đại lý chè và người tiêu dùng ngoài tỉnh. Ở gần có Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… xa hơn là một số tỉnh phía Nam. Các đại lý cần hàng, chậm nhất là sau 1 ngày gọi điện đặt là chị sẽ gửi tới nơi đúng số lượng, chất lượng bảo đảm.

Trong ngôi nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ, hương trà còn bện quánh trên miệng chén chưa kịp thưởng, chị đã mau miệng: Cơ ngơi của gia đình đều từ cây chè mà ra… Chị hãnh diện về điều này còn vì lý do khác. Chị sinh ra ở vùng đất Bắc Giang, đam mê nghề may mặc, nhưng về đất Khe Mo làm dâu thì buông bỏ tất cả để gắn bó với cây chè.

Bấy giờ năm 2000, tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ là sức lao động và sự cần cù chịu khó. Chị chỉ cho chúng tôi xem vườn chè trước nhà và kể: Chè được các cụ trồng từ nhiều năm trước, bỏ hoang, cỏ guột chùm kín, vợ chồng bảo nhau phát dọn, gây tạo lại và mở rộng diện tích trồng chè mới…

Kí ức ùa về, chị nén xúc động: Bố mẹ chồng cho hơn 20.000m2 đất sản xuất, hôm nào vợ chồng cũng thức dậy từ sớm để lên đồi đào gốc guột, hửng sáng về “lùa” vội lưng cơm rồi tất tả đi hái chè thuê lấy tiền mua gạo. Ngày nào cũng quật sức từ 5 giờ sáng đến nửa đêm trên đồi. Lại tranh thủ sang Nông trường chè Sông Cầu nhặt quả giống về trồng.

Sau gần 5 năm kiên trì với cái cuốc và đặt hạt chè gống, vợ chồng chị đã có gần 4.000m2 đất chè. Để chè có sức phát triển tốt, vợ chồng tích lũy, mua máy bơm, đặt đường ống dẫn nước lên đồi tưới cho toàn bộ diện tích, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển.

Từ hơn 10 năm gần đây, diện tích chè của gia đình chị cho thu hái ổn định, đạt hơn 1 tấn búp tươi/lứa. Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khe Mo, phấn chấn nói: Chị Thúy là tấm gương hội viên nông dân vượt khó. Ngày trước đi hái chè thuê, nay thường xuyên thuê từ 10-15 lao động giúp thu hái chè, với mức tiền công từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày. 

Để nâng cao giá trị sản phẩm, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè ở các vùng Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ)… Chị rút ra kinh nghiệm, chè đạt giá cao đòi hỏi nhiều yếu tố: Từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến bảo quản. Từng công đoạn lại đòi hỏi kỹ lưỡng, chi tiết.

Ví như khâu chăm sóc, việc bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh, tưới nước cũng cần có thời điểm thích hợp; khi thu hái chè không được chặt tay làm dập nát, ôi ngốt; lúc chế biến cần điều chỉnh nhiệt lượng vừa đủ. Chị kể: Để làm ra sản phẩm chè bảo đảm chất lượng, tôi rất kén người thu hái. Còn khi chế biến tôi phải tự tay làm, vì trước đó có một số lần vì bận việc, nhờ người đứng bếp đều bị hỏng đổ đi. Số chè đó mang bán có thể bù được ít tiền, nhưng mất thị trường vì người tiêu dùng mất niềm tin.

Trong khi phần lớn hộ làm chè trong vùng bán sản phẩm tại nhà, hoặc giao bán cho các đại lý trong tỉnh, chị lại chọn cách đi xa hơn, tức là mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Với một sản phẩm bình dân độc nhất, chè cánh dây; giá bán giao cũng bình dân, 300 nghìn đồng/kg. Chị cho biết: Bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất bán cho các đại lý ngoài tỉnh khoảng 1,6 tấn chè búp khô, đạt tổng thu nhập gần 500 triệu đồng. Ngoài chè của gia đình, tôi còn thu mua thêm chè tươi của một số hộ trong vùng về chế biến để đáp ứng nhu cầu của đại lý. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng chè, vì đó là chữ tín.

Mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh là cách chị góp phần đưa hương chè Thái Nguyên đi xa hơn. Chị tự hào về điều đó. Khi chia tay, chị tiết lộ tham vọng: Tôi có dự định đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm thêm máy móc rồi tổ chức thu mua, chế biến chè ở quy mô lớn hơn. Điều này cũng làm tăng giá trị của cây chè Khe Mo, đồng thời gây dựng thương hiệu cho một vùng chè và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn dỗi tại địa phương.