Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 10.477 doanh nghiệp (DN), trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đối với DN, CĐS là quá trình thay đổi về tư duy, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các thành viên Tổ hỗ trợ chuyển đổi số hướng dẫn đại diện các doanh nghiệp cài đặt phần mềm kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Một trong những mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, là phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 700 DN công nghệ số, kinh tế số, đóng góp 20% vào GRDP của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, các sở, ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với DN trong công tác CĐS.
Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu trực tiếp thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, Sở Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với nhiều đơn vị để hỗ trợ DN trong công tác CĐS. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thông tin: Sở đã hợp tác với Công ty CP MISA triển khai chương trình hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện CĐS giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, 2 năm qua có 4 hội thảo được tổ chức về giải pháp CĐS; 47 khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số thông qua các hội nghị trực tuyến và trực tiếp cho 1.728 DN, hộ kinh doanh, HTX. Tổ hỗ trợ CĐS DN của Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Hiệp hội DN trẻ, Hội DN nhỏ và vừa triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS, tư vấn cho các DN lựa chọn các nền tảng số trong chương trình SMEdx để trải nghiệm và thực hiện CĐS.
Cùng với đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho 546 DN, HTX, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số: Nền tảng quản trị DN hợp nhất; phần mềm kế toán DN nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; phần mềm quản lý nhà hàng; phần mềm quản lý cửa hàng, cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm. Các khóa đào tạo, chương trình tập huấn, thiết kế hệ thống mạng LAN, phương thức kết nối Internet đều thực hiện miễn phí cho các DN, HTX.
Cơ quan chức năng hỗ trợ HTX trà Sơn Dung (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) thực hiện chuyển đổi số trong quản lý sản phẩm. |
Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam và Công ty CP GMO-ZCOM RUNSYSTEM triển khai các hoạt động hướng dẫn, đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Tham gia chương trình, các DN đã được tư vấn, giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ số gắn với tên miền “.vn” trong hoạt động điều hành, quản lý, kinh doanh… của DN. Qua đó giúp DN đẩy mạnh việc đăng ký và sử dụng hiệu quả, đảm bảo an toàn tài nguyên Internet, tên miền quốc gia “.vn”; tiếp cận, ứng dụng miễn phí các nền tảng, giải pháp công nghệ số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai tốt các nội dung hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, thuế, khoa học - công nghệ. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng 5 đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia gồm: Đề án hệ thống hỗ trợ quản lý hoạt động cụm công nghiệp trực tuyến tỉnh Thái Nguyên; quảng bá chỉ số phát triển thương mại điện tử cấp huyện; phần mềm khảo sát mức độ CĐS của DN; Hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng giải pháp tiếp thị đa kênh (omichanel-maketing) 11 bộ giải pháp và Đề án Hỗ trợ DN ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng.
Sở Công Thương - đơn vị quản lý Sàn thương mại điện tử tỉnh, đã đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện Phú Lương lên sàn voso.vn; postmart.vn; thainguyentrade.vn để quảng bá và bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng đề án “Chợ trực tuyến Thái Nguyên” nhằm tạo thị trường mở trên mạng thông tin, hỗ trợ các DN trong tỉnh trong việc xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ban, ngành, nhiều DN đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hiện có hơn 2.700 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
Về hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tỉnh đã hỗ trợ 1.412.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản với tổng kinh phí là 706 triệu đồng. Các DN đã vận dụng nền tảng CĐS để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp.
Hiện nay, doanh số thương mại điện tử tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến của tỉnh chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… ngày càng được mở rộng; tỷ lệ DN nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt gần 30%.
Thái Nguyên hiện có 324 DN công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp CĐS và cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin và trên 5.000 DN trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các nền tảng số.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp, định hướng nhằm tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin