“U70” khởi nghiệp từ trồng nấm rơm

Trinh An 09:50, 25/10/2024

Với suy nghĩ “khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn”, ông Phạm Quang Ơn (ở thị trấn Đình Cả, Võ Nhai) đã dành phần lương hưu ít ỏi của mình để cùng với các thành viên trong gia đình đầu tư trồng nấm rơm (nấm trứng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất nấm rơm không còn mới lạ trên địa bàn tỉnh, nhưng ở Võ Nhai, đây là một trong những mô hình đầu tiên và bước đầu gặt hái thành công.

Gia đình ông Phạm Quang Ơn (ở tổ dân phố Làng Lường, thị trấn Đình Cả, Võ Nhai) thu hoạch nấm rơm theo đơn đặt hàng.
Gia đình ông Phạm Quang Ơn (ở tổ dân phố Làng Lường, thị trấn Đình Cả, Võ Nhai) thu hoạch nấm rơm theo đơn đặt hàng.

Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng ông Phạm Quang Ơn và bà Hoàng Thị Phụ bắt tay vào làm vườn, ao, chuồng để cải thiện kinh tế gia đình. Qua nhiều loại hình nuôi gia súc, gia cầm thấy hiệu quả không cao, lại ảnh hưởng đến môi trường và chịu tác động bởi khí hậu, dịch bệnh, ông Ơn đã nghiên cứu và tiếp cận với quy trình công nghệ sinh học trồng nấm rơm. Ông bỏ ra gần 1 năm đi “tầm sư học đạo” tại các địa phương trong tỉnh cũng như ở các tỉnh lân cận.

Thuận lợi là có con học chuyên ngành Công nghệ thông tin, nên hai ông bà được cung cấp nhiều hình ảnh, video clip về kỹ thuật trồng nấm. Tận dụng nguồn nguyên liệu rơm có sẵn ở địa phương cùng với các phụ phẩm bông vải từ các xưởng may, ông Ơn mạnh dạn đầu tư mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Sau hơn 2 năm gắn bó với mô hình (từ năm 2022 đến nay), sản phẩm nấm rơm của gia đình ông đã có đầu ra ổn định, có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, thậm chí có khách hàng tại Hà Nội đặt mua trọn gói mỗi khi đến kỳ thu hoạch.

Ông Ơn cho biết, ban đầu gia đình ông làm thủ công, đi thu gom rơm sau vụ gặt để ủ mục rồi làm nấm ăn hàng ngày. Sau khi tiếp cận thông tin về công nghệ làm nấm theo hình thức thâm canh, ông đã học nghề tại các trang trại nấm như một công nhân làm thuê. Bên cạnh đó, ông thường xuyên tìm kiếm tài liệu để tự học.

Sau gần 6 tháng, ông trở về nhà cùng gia đình dựng nhà khung, phủ bạt để dựng giàn nuôi trồng nấm. Từ 30m2 nhà trồng nấm, với sản lượng từ 10-15kg/lứa bán lẻ về TP. Thái Nguyên, đến nay gia đình ông đã đầu tư mở rộng lên 200m2 nhà trồng nấm, với sản lượng đạt trên 1,5tạ/lứa; riêng trong năm 2023 đã bán ra thị trường trên 1,5 tấn nấm rơm. Thông qua hình thức quảng cáo, bán hàng trực tuyến nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, sản phẩm đến lứa thu hoạch hầu hết đều được các doanh nghiệp tại Hà Nội đặt mua theo hình thức bao tiêu trọn gói.

Về mức thu nhập, ông Ơn khiêm tốn cho biết: Mỗi năm, gia đình tôi dành ra được khoảng 100 triệu đồng; hàng tháng chi trả lương cho 2 nhân công với mức 5 triệu đồng/người. Hiện nay, từ mô hình trồng nấm, gia đình chưa tích lũy được nhiều do đang tiếp tục đầu tư xây dựng kiên cố nhà xưởng và hệ thống khử khuẩn, hấp sấy, bơm tưới ẩm, thông gió, lò hơi tự động…

Chia sẻ về tiềm năng nhân rộng vùng sản xuất, ông cho rằng: Ở nông thôn, việc trồng nấm rơm là thuận lợi, phù hợp với mọi lứa tuổi lao động và không đòi hỏi nhiều công sức. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình sản xuất thì cần xây dựng thương hiệu cũng như đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm…

Từ thực tế có thể thấy, mô hình trồng nấm rơm trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đang mở ra những tiềm năng, cơ hội trong phát triển kinh tế cho người dân, khi ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Gia đình ông Phạm Quang Ơn đã dám nghĩ, dám làm với quan điểm “khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn” khi cả hai ông bà đều đã gần 70 tuổi.