Mỳ Cao Lâu khó chạm OCOP, vì đâu?

Hoàng Hải 09:22, 29/11/2024

Cao Lâu là món mỳ gạo đặc sản của bà con dưới chân núi Nản (tổ dân phố Phố Núi, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa). Nơi đây từng có thời kỳ nhà nào cũng nổi lửa, xay bột, tráng bánh… Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà số hộ làm nghề hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các hộ dân và cũng như chính quyền địa phương từng muốn khôi phục lại làng nghề và đưa thành sản phẩm OCOP. Vậy nhưng, do nhiều yếu tố mà mỳ Cao Lâu khó chạm đến mục tiêu này.

Chị Ma Thị Đan kiểm tra độ khô của mỳ đang phơi.
Chị Ma Thị Đan kiểm tra độ khô của mỳ đang phơi.

Gần hai chục năm về làm dâu cũng là ngần ấy thời gian chị Ma Thị Đan gắn bó với nghề làm mỳ Cao Lâu ở Phố Núi. Hằng ngày, chị cùng các thành viên trong gia đình làm khoảng 30kg gạo, tương đương 25kg mỳ thành phẩm. Để làm ra được khối lượng ấy, chị phải thực hiện đủ các công đoạn từ chọn, ngâm gạo, xay bột, ngồi tráng, vớt đêm đến phơi, cắt. Bù lại, mỗi mẻ mỳ được làm và bán ra trở thành là thu nhập cơ bản, thường xuyên của gia đình.

Chị Ma Thị Đan: Để có được một bánh phở (mỳ) như ý, chúng tôi phải ngồi tráng bên nồi hấp. Bột gạo được dàn mỏng đều trên bề mặt của nồi hấp có nhiệt độ cao, đậy vung lại, chừng 12-20 giây sau lớp bột thứ 2 sẽ được trải lên trên bề mặt của lớp thứ nhất. Sau khi hấp chín thì vớt ra nan/mành tre để phơi khô. Vì là đun trên bếp củi nên dù là mùa hè nóng bức cũng không thể dùng quạt vì như vậy khói sẽ quẩn vào người, không chịu nổi.

Ngay cạnh nhà chị Đan, cũng cách làm tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Việt, ông Nguyễn Ngọc Cải mỗi ngày làm từ 30-40kg gạo. Mỗi độ dịp Tết Nguyên đán, các gia đình làm “hết công suất” do đơn hàng tăng cao. Mỳ Cao Lâu hiện có giá từ 42-45 nghìn đồng/kg, cao hơn khá nhiều so với các loại mỳ khác làm bằng máy, nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, đặt hàng.

Ông Nguyễn Văn Việt: Dù có lúc thịnh lúc trầm và vất vả nhưng nghề này cho thu nhập hằng ngày, giúp kinh tế gia đình từng bước vươn lên. Khách hàng ưa chuộng mỳ Cau Lâu vì sợi dai, không bị giòn gẫy, không bị nhừ nát, khi nấu có vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên để mở rộng sản xuất thì là cả bài toán khó vì thiếu lao động, thiếu chất đốt...

Mấu chốt làm nên chất mỳ cao lầu chính là mỳ được tráng hai lớp bột trong một lần hấp và phải thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Mấu chốt làm nên chất mỳ cao lầu chính là mỳ được tráng hai lớp bột trong một lần hấp và phải thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Còn ông Nguyễn Xuân Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố Phố Núi, thông tin: Tổ dân phố hiện có 152 hộ được sáp nhập từ các xóm Nản Trên, Nản Dưới và Đồng Chùa. Trong đó, xóm Nản Trên trước đây hầu như nhà nào cũng làm mỳ Cao Lâu nhưng đến nay chỉ còn 5, 6 hộ. Nguyên nhân là do vất vả trong các khâu sản xuất, thiếu lao động, nhưng quan trọng nhất là các công đoạn phải làm thủ công, đặc biệt là việc tráng bánh 2 lớp và phải đun trên bếp củi. Hơn nữa vấn đề chất đốt (củi) càng ngày càng khó tìm mua, giá lại cao.

Qua câu chuyện với bà con làm nghề, chúng tôi được biết trước đây, địa phương từng vận động người dân thành lập làng nghề truyền thống và thực hiện các bước để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Tiên phong thực hiện mục tiêu này có gia đình ông Vũ Văn Cường khi mạnh dạn bỏ ra hơn 60 triệu đồng đầu tư dây chuyền với kỳ vọng đưa mỳ Cao Lâu vào sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, khi làm bằng máy, mỳ thành phẩm không đạt độ dẻo, bóng mướt và sợi mỏng, dễ gãy, khi nấu dễ bị nhừ nát (vì làm máy không thể tráng hai lớp bột). Sau bao lần nghiên cứu, thử nghiệm vẫn không thành, gia đình ông đành “đắp chiếu” dàn máy và quay lại làm mỳ thủ công.

Dây chuyền, máy làm mỳ của ông Vũ Văn Cường do không thể đáp ứng yêu cầu của mỳ Cao Lâu nên đành bỏ phí.
Dây chuyền, máy làm mỳ của ông Vũ Văn Cường do không thể đáp ứng yêu cầu của mỳ Cao Lâu nên đành bỏ phí.

Do khó mở rộng quy mô sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất và chưa phát huy được sức mạnh cộng đồng (thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã)… nên mỳ Cao Lâu chưa thể tiệm cận với các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Đây cũng là trăn trở của chính quyền địa phương và những hộ làm nghề dưới chân núi Nản.

Với tình yêu và mong muốn gìn giữ và lưu truyền món nghề thủ công truyền thống, người dân mong rằng mỳ Cao Lâu sẽ được Nhà nước dành cho cơ chế hỗ trợ đặc biệt trong việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu, “chắp cánh” tiến xa hơn trên thị trường giống như những sản phẩm OCOP khác.



Yến sào LifeNest