Phát triển trước tiêu thụ sau: Nông dân chịu thiệt - (kỳ 1) Nông dân “cầm dao đằng lưỡi”

Nhóm P.V 06:28, 29/11/2024

Trong nhiều năm qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh luôn đối mặt với tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" bởi còn thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Hầu hết người dân vẫn đang phải tự tiêu thụ nông sản tại các chợ đầu mối với giá thấp.

Tại chợ đầu mối Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), người dân thường phải thức xuyên đêm chờ tư thương từ các nơi về thu mua rau xanh, với giá bán rẻ như cho.
Tại chợ đầu mối Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), người dân thường phải thức xuyên đêm chờ tư thương từ các nơi về thu mua rau xanh, với giá bán "rẻ như cho".

Cứ được mùa là “giải cứu”

Hiện nay, bà Trần Thị Luyện, 58 tuổi, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) vẫn thường phải chật vật chở rau đi bán trong buổi đêm tại chợ đầu mối Túc Duyên. Gia đình bà có gần 1 mẫu ruộng trồng rau, đang thu hoạch su hào và bắp cải.

Bà Luyện chia sẻ, trận ngập lụt lịch sử vào đầu tháng 9 vừa rồi đã gây thiệt hại toàn bộ diện tích rau màu trong xóm. Giá rau xanh cũng cao kỷ lục, các loại cải gần 30 nghìn đồng/kg vẫn khan hiếm. Do vậy, bà cũng như hầu hết các hộ dân trong xóm đã nhanh chóng chớp thời cơ trồng su hào bắp cải sớm với hy vọng bán được giá, tránh tình trạng đúng vụ vào dịp cuối năm giá rẻ như cho mà vẫn không bán được, nhiều hộ kêu gọi “giải cứu” không thành công đành bỏ cả ruộng không thu hoạch.

 

Tuy nhiên, vụ rau này đã không được như mong đợi của người trồng. Thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh các loại rau xanh đều có sản lượng cao, bà con lại trồng và thu hoạch đồng loạt nên nguồn cung vượt quá khả năng tiêu thụ, dẫn đến giá rau giảm mạnh. Giá rau xanh tại chợ đầu mối Túc Duyên vào thời điểm này thấp, cải lá từ 2.000 đồng - 2.500 đồng/kg; cải củ và su hào 4.000 đồng -5.000 đồng/kg; bắp cải 3.000 đồng - 4.000 đồng/kg.

Đầu tư gần 20 triệu đồng vào giống, thuốc, phân bón,… bà Luyện nhẩm tính nếu bán hết toàn bộ gần 1 vạn cây bắp cải và su hào sẽ thu về khoảng 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sẽ còn gần 15 triệu đồng là tiền công lao động của 3 người trong suốt gần 2 tháng ròng rã.

Chị Nguyễn Thị Tư, 40 tuổi, chuyên buôn bán rau tại chợ Túc Duyên: Rau càng rẻ càng khó bán, nhiều người đứng bán cả đêm mới thu được mấy chục nghìn bạc, đấy là còn mất cả buổi để cắt rau bó rau và chưa kể nhiều ngày chăm bón mới được thu hái.

Theo chị Tư, trước nay chưa có cơ quan tổ chức nào đứng ra kêu gọi “giải cứu” nông sản Thái Nguyên nhưng trên thực tế, trên các nhóm mạng xã hội đã đăng tải nhiều lời kêu gọi “giải cứu” gửi đến các tiểu thương và người tiêu dùng. Sản phẩm cần “giải cứu” gồm rau xanh các loại, cà chua, dưa chuột, chuối xanh… nhiều nhất là bí đỏ và bưởi mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Chưa thoát vòng quay trồng - chặt

Từng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ hơn 1.000 cây mít Thái và hơn 300 cây sấu nhưng chị Nguyễn Thị Hiền, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) đã quyết định chặt bỏ toàn bộ số cây trên.

Theo chị Hiền, chọn được giống chuẩn, chất lượng quả rất tốt, có những quả mít nặng tới trên 20kg nhưng mấy năm gần đây việc tiêu thụ rất khó khăn, trước đây 20.000 đồng/kg nay chỉ còn dưới 5.000 đồng cũng không có người mua.

Sấu cũng vậy, khi chị trồng thì bán rất đắt, nhưng đến khi được thu thì chẳng biết bán cho ai. Đến mùa, mỗi ngày có tới cả trăm quả mít chín rụng, để đỡ tốn công dọn vườn, chị Hiền đăng thông báo cho không mít và sấu ai thích thì đến vườn tùy ý hái bao nhiêu cũng được. “Cho còn không đắt”, chị Hiền than thở.

"Đắt đua nhau trồng, rẻ đua nhau chặt" là tình trạng phổ biến, không chỉ đối với cây ngắn ngày như rau mà còn cả với cây lâu năm. Tại xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng  (Võ Nhai), gần 80 hộ trồng cây ăn quả. Mười năm về trước, cây cam Vinh đem lại hiệu quả kinh tế cao, cả xóm trồng hơn 12ha, một số hộ thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.Sau đó, các hộ phá bỏ để trồng sang cây nhãn miền, bưởi diễn, gần đây lại tiếp tục chặt bỏ để đầu tư trồng na.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng xóm Yên Ngựa: Đến mùa cam, bưởi  thu về chất thành đống, bán rẻ như cho cũng không có người mua; nhãn cũng không tiêu thụ được nên bà con chuyển sang trồng na vì sản phẩm na đang được huyện hỗ trợ quảng bá tiêu thụ.

Tại vùng cây ăn quả xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), nhãn có diện tích khoảng 80ha, ngon nổi tiếng được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán có thể lên tới 30.000-40.000 đồng/kg, nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sau vài ba vụ mất mùa do thời tiết, thấy cây chuối tiêu hồng có lãi cao nên nhiều hộ dân đã  trồng thay thế nhãn.

Dù giá rau xanh rẻ nhưng người dân làng rau Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) vẫn phải vào vụ mới với hy vọng khi thu hoạch (dịp Tết Nguyên đán), rau xanh sẽ bán được giá hơn.
Dù giá rau xanh rẻ nhưng người dân làng rau Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) vẫn phải vào vụ mới với hy vọng khi thu hoạch (dịp Tết Nguyên đán), rau xanh sẽ bán được giá hơn.

Thực tế, thời gian đầu, nhiều hộ dân đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chuối Tết, tuy nhiên “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Từ hai năm nay, chuối rất khó bán, giá thu mua chỉ 2 nghìn đồng/kg khiến gần như các hộ trồng chuối đều thua lỗ nặng, nhiều hộ bắt đầu tính chuyện bỏ chuối để trồng cây khác

Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận: Khi người dân ồ ạt đưa cây chuối vào trồng, xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thế nhưng người dân vẫn chạy theo “giá chợ”, cứ cây nào được giá thì lại "đua nhau" trồng.

Nghịch lý là trong khi nhiều địa phương tiếp tục mở rộng diện tích bưởi với hy vọng tăng thu nhập thì tại xã Tràng Xá, vùng bưởi lớn của huyện Võ Nhai, do khó tiêu thụ, giá quá rẻ, chỉ khoảng 2.000 đồng/quả, cây bưởi cũng bắt đầu bị "ghẻ lạnh", trước đây bưởi được trồng thay thế ngô thì nay người dân hoặc chặt bỏ bưởi để quay lại trồng ngô.

Thua lỗ vì đầu tư lớn

Mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch được anh Vũ Mạnh Toàn, 32 tuổi, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) triển khai năm 2018. Bao gồm gần 2.000m2 nhà kính, mọi công đoạn bón phân, đo độ ẩm, tưới tiêu hoàn toàn thiết kế tự động và kiểm soát theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm ngặt.

 

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ rau, hoa quả và cảnh quan tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh Toàn có 2 năm thực tập tại Israel theo chương trình liên kết đào tạo sinh viên. Từ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm tích luỹ được, anh đã thuyết phục gia đình đầu tư hơn 500 triệu đồng cải tạo 4.000m2 đất vườn tạp để lắp đặt hệ thống nhà kính hiện đại, tự động. Các loại cây trồng chủ lực gồm: rau ăn lá, dưa chuột, dưa lưới, hoa đồng tiền...

Thời gian đầu tiêu thụ thuận lợi, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những vụ sau đó sản phẩm rất khó bán, giá thu mua thấp nên anh Toàn đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động, hiện mô hình dừng sản xuất từ năm 2021 đến nay.

Theo chia sẻ của gia đình anh Vũ Đình Toàn, việc đầu tư vốn và chuyên môn vào sản xuất để làm ra những sản phẩm chất lượng là trong khả năng của gia đình nhưng việc tìm thị trường thiêu thụ lại quá khó khăn. Đơn cử như các loại rau quả trồng theo công nghệ cao nếu ra chợ thì hình thức thua kém xa những sản phẩm thông thường nên không thể bán được dù với mức giá thấp nhất. Chưa có thị trường tiêu thụ ổn định bền vững mà đã đầu tư vào sản xuất thì xác định cầm chắc thua lỗ.

(Còn nữa)