Phú Đô (Phú Lương) - một trong những vùng quê thuộc tỉnh Thái Nguyên - có thổ nhưỡng phù hợp với cây chè. Xóm Phú Nam 1 (nay là Phú Nam Mới) nằm trong vùng thổ nhưỡng đó. Theo lời kể của các bậc cao lão: Từ khi sinh ra đã thấy trên đất này có cây chè và giống cây này đem lại cơm, áo cho cư dân bản địa chừng 70 năm nay. Rồi vẫn trên đất này, những năm gần đây, cây chè trở thành cây “hái ra tiền”...
Từ 5 năm gần đây, nương chè của Hợp tác xã trở thành điểm đến tham quan, học tập của nông dân nhiều vùng chè trên cả nước. |
Từ UBND xã nhìn sang bên đường là chợ Phú Đô. Xa hơn chút nữa có ngôi nhà khang trang là “Đại bản doanh” của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1. Đây là địa chỉ để thành viên HTX và thương nhân trong vùng đến giao lưu, thưởng trà, thực hiện các giao dịch liên quan đến chè. Được chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp mua - bán, giao lưu, nhiều người khâm phục một vùng đất nghèo đang từng ngày “vươn vai” đứng dậy, làm mới chính mình.
Quan trọng là tư duy, nhận thức của người dân thay đổi theo hướng tích cực. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã bắt đầu câu chuyện về cây chè và cuộc sống của người dân Phú Nam.
Theo lời bà, cây chè đã trở thành cây hàng hóa ở đất này từ hàng chục năm nay, nhưng để cây chè là cây “hái ra tiền” như hiện nay là nhờ Dự án Làng thí điểm nông thôn mới Saemaul hỗ trợ về kinh tế, bao gồm cả những lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, về hạ tầng cơ sở cho người dân ổn định cuộc sống, làm ra sản phẩm chè có giá trị kinh tế cao hơn.
Chủ tịch UBND xã, ông Phùng Thanh Hà: Người Phú Nam đã thực sự làm nên thương hiệu chè bằng chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, chè có giá thành cao hơn so với cách làm chè lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu như trước đây. Một trong những cơ sở sản xuất, chế biến chè tiên phong trong lĩnh vực chất lượng chính là HTX Phú Nam…
Ông Đỗ Quang Hiến, một thành viên có kinh nghiệm làm chè của HTX cho biết: Sản phẩm chè của Phú Nam có "tên tuổi", đứng vững trên thị trường trong nước bởi chúng tôi thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP. Chúng tôi đã mang sản phẩm đến một số hội chợ lớn ở Hà Nội và Trung Quốc để quảng bá và được bạn hàng đánh giá cao. HTX đang sản xuất, chế biến ra gần chục mẫu sản phẩm khác nhau, trong đó sản phẩm Trà tôm nõn đặc biệt đạt OCOP 4 sao; sản phẩm Hồng Phước trà đạt OCOP 3 sao.
Bên ấm trà, câu chuyện giữa chúng tôi cứ ríu ran về sự đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân vùng chè. Minh chứng ở ngay trong không gian trưng bày sản phẩm của HTX. Đó là những mẫu sản phẩm chè được đóng gói, hút chân không.
Ông Tạ văn Trường, thành viên HTX mộc mạc: Trước đây, chúng tôi làm chè sao suốt, đóng bao tải, mang ra chợ bán với giá thấp. Nay, sản phẩm làm ra đóng túi đẹp, có nhãn mác, ghi rõ địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng. Chè có giá bán bình quân từ 200 đến 300.000 đồng/kg. Riêng sản phẩm chè tôm nõn đặc biệt được khách hàng mua với giá 1 triệu đồng/kg. Trước đây, nằm mơ chúng tôi cũng không dám nói đến giá ấy.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1, tự hào với sản phẩm chè an toàn của HTX. |
Ông Trường là 1 trong 14 thành viên chính thức của HTX. Ngoài các thành viên chính thức, HTX còn có hàng chục hộ dân cùng tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP do HTX hướng dẫn. Hiện HTX ổn định diện tích chè nguyên liệu đang cho thu hái hơn 27ha, chủ yếu giống chè trung du và chè lai. Hiện đã có 15ha được chăm sóc, thu hái, chế biến theo quy trình VietGAP. Hơn 12ha được cấp mã số vùng.
Bà Nguyễn Thị Lương, thành viên HTX: Từ thành lập HTX năm 2017, chè trở thành cây kinh tế chủ lực của người dân Phú Nam. Mọi việc lớn như làm nhà, sắm phương tiện đi lại, mua tiện nghi trong gia đình cũng từ tiền bán chè mà có.
Trở lại “đại bản doanh” của HTX Phú Nam, chúng tôi được nghe bà con trò chuyện, chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, như chè đinh, chè tôm nõn, chè hảo hạng đặc biệt…
Đó không còn là giấc mơ xa vời với người dân một vùng chè. Hơn nữa, sau tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan các vùng chè trong, ngoài tỉnh. Nhiều nông dân được đến Hàn Quốc để xem nông dân nước bạn làm chè.
“Đi một ngày đàng” trở về tư duy sản xuất, chế biến chè của bà con nông dân thay đổi. Cách làm chè tùy hứng như sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học “vô tội vạ” trước đây được thay thế bằng cách làm mới, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch.
Ông Đỗ Quang Ngọc chia sẻ: Để xây dựng thương hiệu, các hộ thành viên HTX và bà con trong vùng tích cực sử dụng phân hữu cơ, phân xanh, sử dụng thuốc thảo mộc sinh học bảo vệ cây chè. Còn ông Tạ Bằng Phi cho biết: Công việc chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hái đều được bà con ghi chép vào nhật ký.
Những thao thức, trăn trở, quyết tâm thay đổi cách thức sản xuất từ mỗi gia đình, cụm dân cư và HTX đã làm đất đai Phú Nam được “hồi phục sức khỏe", giàu độ mùn và chất dinh dưỡng nuôi lớn những búp chè. Chính vì thế, cây chè có tuổi thọ cao hơn. Và hơn thế nữa, năng suất, chất lượng chè được nâng cao, sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng được bảo đảm.
Dự án Làng Mới Saemaul hỗ trợ cho HTX hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhà trưng bày, thiết bị máy móc chế biến… Năm 2017, HTX có 11 thành viên, 15ha chè, đến năm 2024 có 14 thành viên, 27,2ha chè. Đến nay, 200 lượt thành viên HTX đã được tập huấn sản xuất, chế biến chè an toàn. 5 thành viên HTX đi tham quan, học tập mô hình sản xuất chè tại Hàn Quốc. Giá chè tăng từ 70.000 đồng năm 2017 lên 250.000 đồng năm 2024. Chè Tôm nõn đặc biệt, giá bán 1.000.000 đồng/kg. HTX có 2 sản phẩm mũi nhọn: Trà tôm nõn đặc biệt đạt OCOP 4 sao; Hồng Phước trà đạt OCOP 3 sao. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin