Hiệu quả bước đầu từ nuôi đuông dừa

Lưu Phượng 08:56, 17/12/2024

Bằng cách tạo ra môi trường sống giống như bên trong thân cây dừa, anh Lý Hoàng Sơn và những người bạn của mình ở xã Yên Trạch (Phú Lương) đã phát triển mô hình nuôi đuông dừa tại địa phương. Đến nay, sau gần 4 tháng, mô hình này cho thấy tốn ít chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đuông dừa được anh Lý Hoàng Sơn nuôi từ xơ dừa, hỗn hợp cám, bột ngô.
Đuông dừa được anh Lý Hoàng Sơn nuôi từ xơ dừa, hỗn hợp cám, bột ngô.

Trong khu chuồng nuôi lợn cũ, hàng trăm chậu đuông dừa được anh Lý Hoàng Sơn xếp đặt cẩn thận, phân loại theo từng giai đoạn phát triển. Nuôi con này ít chi phí (mỗi một chậu nuôi đuông đầu vào mất khoảng 35-40 nghìn đồng) nhưng tốn nhiều công, nên anh thường xuyên có mặt tại đây.

Chia sẻ về lý do nuôi đuông dừa, anh Sơn cho biết: Từng bươn chải khắp nơi từ Nam ra Bắc, năm 2016, tôi quyết định về lập nghiệp tại quê hương. Xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô lớn, nhưng vì dịch bệnh liên tiếp xảy ra không hiệu quả. Năm 2019, tôi tham gia HTX nông nghiệp Tiên Phong và được các thành viên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình nông nghiệp tại địa phương.

Qua tìm hiểu trên mạng và thực tế nhiều nơi, nhóm anh Sơn biết đến mô hình nuôi đuông dừa và về Ba Vì (Hà Nội) mua giống. Theo anh, để tạo ra môi trường sống và thức ăn cho đuông dừa không khó. Dụng cụ chỉ cần những chiếc chậu nhựa, nguyên liệu là xơ dừa (anh thu gom mua lại từ các quán nước), cám gạo, cám ngô, trộn đều lên là được.

Đuông là ấu trùng của loại bọ cánh cứng thường sinh sống trên cây dừa hoặc cọ. Đuông dừa dùng để làm nhiều món ăn trong ẩm thực Việt Nam, nhất là vùng Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đây được xem là món đặc sản, khoái khẩu của nhiều người, có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng đạm.

Quy trình nuôi trải qua các bước như sau: Nhộng đuông dừa đưa vào kén khoảng 15-20 ngày rồi trưởng thành con bọ cạp (con bố mẹ). Sau khi tách riêng trong vòng 1-2 ngày, cứ khoảng 15-20 cặp bố mẹ sẽ được đưa vào 1 chậu đã trộn sẵn thức ăn để phối giống, sản sinh trứng. Sau 10 ngày tách mẹ ra để sinh sản tiếp lứa mới (bình thường mỗi con mẹ sẽ sinh sản được 3 lứa). Chu kỳ từ lúc đuông dừa bắt đầu sinh sản đến lúc được thu hoạch khoảng 40-45 ngày.

Quy trình chăm sóc đuông dừa không phức tạp, chỉ cần cho ăn vào khoảng thời gian đầu khi con cái đã đẻ xong. Trong vòng một tháng đuông tự ăn các chất dinh dưỡng từ vỏ dừa, hỗn hợp cám, ngô, chuối và cho ra đuông thành phẩm. Đuông trưởng thành nếu không được thu hoạch sẽ đóng kén và trở thành bọ cánh cứng. Loài này rất ít khi mắc bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp.

Nhờ nuôi gối nhau, nên 500 chậu đuông dừa của nhóm anh Lý Hoàng Sơn cho thu hoạch hằng ngày, mỗi chậu thu được từ 1-1,5kg, giá bán từ 160-250 nghìn đồng/kg.
Nhờ nuôi gối nhau, nên 500 chậu đuông dừa của nhóm anh Lý Hoàng Sơn cho thu hoạch hằng ngày, mỗi chậu thu được từ 1-1,5kg, giá bán từ 160-250 nghìn đồng/kg.

Đến kỳ thu hoạch, anh Sơn nhặt riêng những con đảm bảo để bán thương phẩm. Nếu muốn gây giống sẽ tiếp tục giữ lại cho nhộng vào kén. Việc tạo kén cũng đơn giản, chỉ cần băm xơ dừa và ép chặt lại thành khung rồi bỏ nhộng vào. Với khoảng 20kg nhộng sẽ tạo ra khoảng 2.000 kén. Khi vào kén, cần tránh nguyên liệu và môi trường ẩm ướt vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Sau khoảng 15 ngày vào nhộng kén là được thu hoạch con giống.

Nhiệt độ thích hợp cho đuông dừa phát triển là từ 28-33 độ. Đặc biệt chú ý là vào mùa lạnh cần phải quây bạt kín xung quanh khu vực nuôi và sưởi điện để tránh rét vì nếu quá lạnh nhộng sẽ không phát triển được và chết.

Hiện anh Sơn có 500 chậu đuông dừa nuôi gối nhau, mỗi chậu cho từ 1-1,5kg nhộng. Trung bình mỗi ngày anh xuất bán ra thị trường từ 60-100kg nhộng tươi sống với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg, còn nhộng đông lạnh có giá từ 160-180 nghìn đồng/kg. Con đuông dừa giống có giá 10 nghìn đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí, mỗi chậu đuông dừa có lợi nhuận từ 80-100 nghìn đồng. Với quy mô như hiện tại, trung bình mỗi tháng, nhóm của anh Sơn có thu nhập từ 100-150 triệu đồng từ nuôi đuông dừa.

Đặc biệt, mô hình không gây ô nhiễm như chăn nuôi các con vật khác. Sau khi đuông hút cạn chất dinh dưỡng, xơ dừa, nguồn thức ăn trong chậu trở thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, tạo ra quy trình chăn nuôi khép kín, tuần hoàn.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, nhóm anh Sơn dự định mở rộng chậu nuôi, cung cấp ra thị trường 3 sản phẩm chính từ đuông dừa là con giống, đuông dừa tươi, đuông dừa đông lạnh.