Khép lại năm 2024 với bao gian khó khi cơn bão số 3 càn quét qua khiến không ít ruộng lúa, nương ngô của người dân Thái Nguyên bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, Thái Nguyên vẫn vững vàng vượt qua gian khó dệt nên những mùa vàng ấm no. Năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 67,2 nghìn héc-ta lúa, trên 10,2 nghìn héc-ta ngô, sản lượng cây lương thực có hạt đạt khoảng 420 nghìn tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Giống lúa lai đã bén rễ ở Bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ), nơi có đa số người Mông sinh sống. |
Lúa đặc sản xuống đồng
Vụ xuân năm 2015, giống lúa JO2 lần đầu tiên được đưa về đồng đất Thái Nguyên. Dù chỉ là mô hình trồng thử nghiệm nhưng 25ha lúa JO2 đã bám rễ nơi ở mảnh đất Bảo Cường và Bình Thành (Định Hóa), cho năng suất cao ngoài sự mong đợi (khoàng 65 đến 70 tạ/ha).
Nô nức từ những vụ lúa đầu tiên đầy thắng lợi như thế, JO2, giống lúa thuần chất lượng cao, có nguồn gốc từ Nhật Bản được viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn đã thừa thắng “xông” lên lan tỏa đến khắp các cánh đồng ở miền núi, vùng cao của tỉnh.
Giờ thì JO2 đã trở thành giống lúa được nhiều nông dân Thái Nguyên lựa chọn đưa vào gieo cấy trong cả vụ xuân và vụ mùa. Bà Nguyễn Thị Định, tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Gia đình tôi có 6 sào ruộng. 4 năm nay, tôi đều gieo cấy giống lúa JO2. Không chỉ cho năng suất cao, chất lượng tốt, giống lúa này khá ưu việt khi cứng cây, chống chịu thiên tai, hạn hán và sâu bệnh tốt.
Một trong những ưu điểm vượt trội của giống lúa này chính là gạo JO2 khi nấu thành cơm có độ dẻo vừa đến, vị đậm, ăn không ngán, để cả ngày không bị khô. Đây là lời giải thích vì sao, JO2 ngày càng được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh như vậy (mỗi năm, Thái Nguyên gieo cấy gần 10.000ha, chiếm khoảng 15% diện tích gieo cấy toàn tỉnh).
Cũng vì thế, JO2 do người dân Thái Nguyên sản xuất đã được bày bán tại một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Ngoài JO2, giống lúa thuần Bao thai tiếp tục được người dân Định Hóa duy trì gieo cấy, thâm canh. Không sản xuất theo phương thức cũ, người dân vùng chiến khu xưa đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm bón, vun trồng để mỗi mùa vàng về, từng bông lúa trĩu hạt, mang đến cho người trồng lúa một cuộc sống đủ đầy.
Ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ (Định Hóa), cho biết: Cùng với việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bà con còn sản xuất lúa Bao thai theo quy trình VietGAP nên đã tạo ra những hạt gạo dẻo thơm, đảm bảo an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, ngoài Định Hóa, gạo Bao thai còn được sản xuất ở Phú Lương, Võ Nhai với tổng diện tích lên đến 4.000ha, chiếm xấp xỉ 5% diện tích gieo cấy lúa của tỉnh. Có nhiều ưu điểm như vị đậm, hương thơm, gạo Bao thai còn được chế biến thành mỳ gạo, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng lúa.
Giống lúa lai Syn8 đã được người dân An Khánh (Đại Từ) đưa vào gieo cấy, cho năng suất cao, chất lượng tốt. |
Vậy là chỉ sau 10 năm, cơ cấu giống lúa của Thái Nguyên đã có những đổi thay tích cực, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước (hiện đạt 56 đến 57 tạ/ha). Song hành với nâng cao năng suất bằng cách chỉ đạo thâm canh tốt, gieo cấy đúng khung thời vụ, tỉnh còn luôn quan tâm đến chất lượng của lúa, gạo.
Nhờ đó, trong tổng số 67,2 nghìn héc-ta gieo cấy lúa của năm 2024, có đến trên 60% diện tích được gieo cấy bằng giống lúa chất lượng cao như BTE1, Syn 98… Theo đó, các giống lúa đặc sản chiếm đến 20% diện tích gieo cấy.
Ngô lai lên vùng đất dốc
Những ngày này, cho xe chạy theo tuyến Quốc lộ 1B, ngược lên huyện vùng cao Võ Nhai, đâu đâu cũng thấy những đồi ngô đã bắt đầu úa lá lộ ra từng bắp no tròn, hạt đều tăm tắp. Thay vì trồng các giống ngô địa phương năng suất thấp, hiện, bộ giống ngô NK của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đang được ưa chuộng tại Thái Nguyên nói chung và huyện vùng cao Võ Nhai riêng, nhất là giống ngô NK4300, NK7328.
Ông Lầu Văn Bằng, khu người Mông Đồng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai), nói: Trước đây, người Mông chúng mình chỉ trồng ngô nếp hoặc giống ngô đỏ truyền thống để ăn mèn mén. Giờ thì nhà nào cũng trồng ngô NK4300 và NK7328, vừa dễ chăm sóc, mà lại cho nhiều bắp. Hạt ngô bán đi giúp chúng mình có tiền mua gạo…
Với năng suất đạt từ 45 đến 50 tạ/ha (tăng khoảng 10 đến 15% so với 10 năm trước), cây ngô lai đã khẳng định vị thế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của một số xã miền núi, vùng cao của tỉnh.
Giống ngô lai NK7328 đã bén rễ, cho năng suất cao tại xã Động Đạt (Phú Lương). |
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Vị thế cây ngô lai ở Thái Nguyên vượt trội hơn các cây trồng khác vì có thể trồng trên chân ruộng một vụ, đất bãi ven sông, suối, khe lạch. Đặc biệt, cây ngô lai phát triển rất tốt trên đất đồi có độ dốc thấp, vùng chân núi đá. Do đó, hầu hết các xã ở Võ Nhai; một số xã ở huyện miền núi Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ; các xã ven sông Cầu ở Phú Bình và TP. Phổ Yên… đã đưa cây ngô lai vào trồng.
Việc chuyển đổi cơ cấu giống ngô là cả một hành trình dài, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của cơ quan tham mưu - Sở Nông nghiệp và PTNT và chính người dân, đến nay, giống ngô lai đã thay thế hoàn toàn các giống ngô bản địa, năng suất thấp trên địa bàn tỉnh.
Thực tế đã chứng minh, từ những định hướng đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, ngô phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu đã mang đến cho Thái Nguyên những vụ mùa no ấm. Vượt lên cả sự mong đợi của người dân, việc đưa các giống lúa, ngô mới vào trồng đã giúp cho mục tiêu cánh đồng 5 tấn, 6 tấn của Thái Nguyên luôn ở trong “tầm tay”.
Ông Hoàng Thanh Cao, bản người Mông Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai), chia sẻ: Phải sống trong những ngày gian khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mới thấy từng hạt gạo, hạt ngô đáng quý nhường nào. Vì thế, người Mông chúng mình rất biết ơn những cán bộ đã đồng hành đưa giống lúa lai, ngô lai về gieo trồng ở bản.
Mùa tiếp mùa mang về no ấm, yên vui cho người dân Thái Nguyên. Năm nay, dù cho bị ảnh hưởng của các đợt bão lũ, thiên tai, nhưng những bồ lúa, bồ ngô của nông dân vẫn đầy ăm ắp. Từ hơn 5 năm nay, người dân Thái Nguyên, kể cả bà con dân bản ở vùng cao như Thượng Nung, Sảng Mộc, Thần Sa, Dân Tiến… đã không còn cảnh lo chạy ăn từng bữa ngày giáp hạt. Giống lúa, ngô mới đã mang lại cho bà con sự đủ đầy, yên ấm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin