Tân Kim thoát nghèo, làm giàu từ kinh tế rừng

Lưu Phượng 10:10, 04/12/2024

Về xã Tân Kim (Phú Bình), đi trên những đường bê tông mới, uốn lượn qua các xóm là màu xanh bạt ngàn của đồi rừng. Những năm qua, người dân nơi đây đã coi những cánh rừng xanh như một tài sản quý, tập trung đầu tư chăm sóc, phát triển để mang lại cuộc sống đủ đầy.

Xưởng bóc gỗ của gia đình anh Nông Văn Đồng rộng gần 2.000m2, công suất mỗi ngày đạt trên 10m3 gỗ.
Xưởng bóc gỗ của gia đình anh Nông Văn Đồng rộng gần 2.000m2, công suất mỗi ngày đạt trên 10m3 gỗ.

Xóm Bờ La (xã Tân Kim) có 90 hộ, 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (như Nùng, Dao, Sán Dìu, Mông). Từng là một xóm nghèo nhất nhì của xã, đến nay bà con đã vươn lên xây dựng kinh tế từ trồng rừng.

Anh Lâm Văn Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Bờ La: Toàn xóm có trên 80ha rừng. Phong trào trồng rừng ngày càng phát triển mạnh. Người dân tự thành lập các tổ, nhóm bằng zalo để thông tin, đổi công cho nhau, từ người già đến trẻ ai cũng hăng hái tham gia hộ nhau khi vào vụ trồng rừng mới.

Nằm dưới chân núi Cao Báng, gia đình bà Lục Thị Lan là một trong những hộ có diện tích rừng lớn với 3ha. Bà Lan vui vẻ: Nhiều năm nay, tôi kết hợp trồng rừng và chăn nuôi gà. Riêng cây keo sau 5 năm trồng thì có thể cho khai thác, mỗi 1ha có thể thu về trên 120 triệu đồng. Tôi xây được nhà mới, mua sắm nhiều thiết bị trong gia đình đều nhờ trồng rừng.

Cũng giống như Bờ La, từ khi xây dựng nông thôn mới, người dân xóm Đèo Khê đã có sự thay đổi tư duy làm kinh tế từ lợi thế đất rừng. Ngày càng nhiều xưởng gỗ bóc, ván ép được mở ra trên địa bàn đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Người đi đầu mở xưởng chế biến gỗ ở xã Tân Kim phải nhắc đến là anh Nông Văn Đồng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Đèo Khê. Anh Đồng cho hay, từ năm 2014, nhận thấy người dân tập trung phát triển đồi rừng, nhu cầu chế biến tại chỗ tăng cao nên tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng mở xưởng sản xuất gỗ bóc với quy mô gần 2.000m2, công suất mỗi ngày khoảng hơn chục khối gỗ. Xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình anh Đồng đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5-6 lao động với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng.

Ở các xóm Bờ La, Đèo Khê, xã Tân Kim (Phú Bình), hầu như gia đình nào cũng có đất trồng rừng.
Ở các xóm Bờ La, Đèo Khê, xã Tân Kim (Phú Bình), hầu như gia đình nào cũng có đất trồng rừng.

Nói về phát triển kinh tế rừng ở xóm, anh Đồng khẳng định: Việc trồng rừng ở đây bắt đầu từ năm 1991, khi đó các hộ dân được Nhà nước giao đất, giao rừng và áp dụng trồng theo chương trình dự án PAM. Sau đó một thời gian dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giao thông đi lại khó khăn, giá cả bấp bênh, vướng mắc về đất đai giữa người dân và Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên… nên việc trồng rừng chưa phát huy hiệu quả.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là từ năm 2019 đến nay, khi Lâm trường Phú Bình giải thể, Nhà nước giao quyền sử dụng đất trồng rừng cho người dân thì bà con mới chú trọng phát triển kinh tế rừng. - Anh Nông Văn Đồng

Đèo Khê là xóm có quy mô dân số, diện tích rừng lớn nhất xã với 168 hộ, 800 nhân khẩu, diện tích rừng là 100ha. Trung bình mỗi năm thu nhập từ trồng rừng của người dân trên địa bàn xóm Đèo Khê đạt từ 6-7 tỷ đồng. Hầu hết các hộ gia đình trong xóm đều có đất rừng, hộ ít thì khoảng vài nghìn m2, hộ nhiều khoảng 3-4ha.

Một số hộ có diện tích đất rừng lớn của xóm như ông Nông Văn Soi, Tô Văn Mùi, Chu Văn Đài… Đặc biệt, nhiều gia đình trong thời gian chờ rừng cho thu hoạch đã lấy ngắn nuôi dài, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, hoặc đi làm công ty để kiếm thêm thu nhập. Đến nay, đa số các hộ đều xây dựng, sửa chữa lại nhà ở khang trang, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. 

Tân Kim là một trong những địa phương có lợi thế về trồng rừng trên địa bàn huyện Phú Bình với gần 700ha đất rừng, trong đó diện tích rừng chủ yếu tập trung tại các xóm Đèo Khê, Bờ La, Hải Minh, Quyết Tiến… Anh Dương Văn Kiên, cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Tân Kim thông tin thêm với chúng tôi: Hiện nay, xã Tân Kim đang phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Thịnh Phát tuyên truyền, vận động và triển khai thí điểm diện tích rừng theo phương thức quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ FSC. Nếu triển khai thành công, mô hình sẽ tạo dựng, hợp thức được vùng nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, từ đó sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài trở nên dễ dàng hơn, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích cũng được nâng lên.