Khi “cánh cửa” công nghiệp hỗ trợ đã mở

08:02, 24/08/2017

Thái Nguyên có ngành công nghiệp (CN) phát triển từ rất sớm. Những danh xưng như “thành phố Thép”, “cái nôi của ngành CN luyện kim cả nước” hay là “tỉnh sớm ra đời ngành cơ khí, chế tạo”… được nhắc đến lâu nay như để khẳng định truyền thống phát triển CN nặng của tỉnh. Từ các nhà máy luyện kim, cơ khí, chế tạo xưa, giờ đang hình thành ngành CN hỗ trợ với các chuỗi liên kết chặt chẽ hơn. Có thể nói, chưa lúc nào cơ hội phát triển CN hỗ trợ lại rộng mở như hiện nay.

 1. Trước đây, manh nha của ngành CN hỗ trợ Thái Nguyên chính là sự ra đời các nhà máy cơ khí chế tạo. Hơn 40 năm trước, sự xuất hiện của Nhà máy Cơ khí mỏ Việt Bắc (nay là Công ty CP Cơ khí mỏ Việt Bắc), Nhà máy vòng bi (nay là Công ty CP Cơ khí Phổ Yên), Nhà máy Diesel Sông Công (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công), Nhà máy Phụ tùng ô tô số 1 (nay là Công ty CP Phụ tùng máy số 1) như một định hình ban đầu cho ngành CN quan trọng này của tỉnh. Qua quá trình phát triển với biết bao thăng trầm, nhưng các cơ sở sản xuất CN cơ khí chế tạo vẫn duy trì hoạt động và tạo được chỗ đứng vững chắc cho đến ngày nay.

Khoảng 10 năm trở lại đây, khi ngành CN cả nước phát triển mạnh mẽ, các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều đòi hỏi tỉ lệ nội địa hóa cao đã tạo đà cho các hoạt động CN hỗ trợ của tỉnh tăng trưởng. Lúc này, ngành CN hỗ trợ của tỉnh phát triển rõ nét hơn, phân chia thành từng lĩnh vực với nhiều DN tên tuổi. Đó là CN hỗ trợ sản xuất các sản phẩm từ kim loại với sự góp mặt của Công ty CP cơ khí 3/2, Công ty TNHH Đúc Nam Ninh, Công ty CP Công nghệ cao Sao Xanh, Công ty CP Cơ khí Gang thép, Công ty CP Đúc Thái Nguyên, Công ty Cơ điện hóa chất 15… Đó là CN sản xuất cơ khí, chế tạo hỗ trợ ngành lắp ráp ô tô, xe máy với các DN tiêu biểu như: Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công, Công ty CP Hợp kim sắt, Nhà máy Cơ khí 19/5, Công ty CP Cơ khí Nam Phong. Đó là CN dệt may, da giày phục vụ sản xuất trang phục, trong đó nổi bật nhất là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Đó là CN hỗ trợ CN điện tử - tin học, hỗ trợ CN công nghệ cao có Công ty CP Thiết bị Thái Thúy, Công ty TNHH MTV cơ điện, Công ty TNHH MTV Van Xuân… Đặc biệt, khi Tập đoàn Samsung đầu tư vào tỉnh, với nhu cầu đòi hỏi linh, phụ kiện ngày càng lớn, hàng loạt các DN hỗ trợ đã có cơ hội phát triển theo.

2. Việc có mặt của một tập đoàn điện tử lớn đến từ Hàn Quốc đang được xem là điều kiện tốt, cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) nội địa tăng trưởng. Năm 2014, trong chuyến thăm Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên khi đơn vị này đã đi vào hoạt động được một thời gian, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị Samsung tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm tạo cơ hội cho các DN trong tỉnh và trong nước. Vì lúc này tỷ lệ nội địa hóa của Samsung chỉ đạt chưa đầy 10%. Mặc dù nhu cầu về cung cấp linh, phụ kiện điện tử rất lớn, song Samsung vẫn chưa kết nối với các DN nội địa, chủ yếu nhập khẩu và kéo theo các DN phụ trợ từ nước ngoài.

Theo đại diện của Samsung Thái Nguyên, do ít có DN phụ trợ của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu đề ra nên buộc Samsung phải phối hợp với bên ngoài. Sau lần đó, Samsung đã tăng cường các hoạt động tìm kiếm, đào tạo, phối hợp với cộng đồng DN Việt Nam và đến nay đã có kết quả khả quan hơn nhiều.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm của Thủ tướng tại Samsung Thái Nguyên cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo DN này đã khẳng định đã nâng tỷ lệ nội địa hóa của đơn vị lên trên 50%. Như vậy, cơ hội đang rất lớn đối với ngành CN hỗ trợ của cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Theo ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nếu năm 2015 mới chỉ có 5 nhà cung cấp linh kiện nội địa cấp 1 thì nay đã tăng lên 25 nhà cung cấp. Dự kiến năm tới sẽ tăng lên 29 nhà cung cấp cấp 1. Như vậy, tính tổng các nhà cung cấp (cả cấp 1 và cấp 2), Samsung đang có tới 200 nhà cung cấp linh kiện của Việt Nam. Ông này cũng cam kết, sẽ ưu tiên tìm kiếm các nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, nếu các DN địa phương muốn là đối tác của Samsung cần phải bồi dưỡng thêm trình độ, đầu tư máy móc để có những kết nối phù hợp.

Ngoài Samsung, hiện nay các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp trong nước đang mở rộng thị phần và có chỗ đứng ngày càng vững trên thị trường. Bởi vậy, ngành CN hỗ trợ vốn có bề dày của tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ hội để hợp tác phát triển. Theo báo cáo mới nhất của Công ty CP Phụ tùng máy số 1, DN đang là nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng máy (ống lót xi lanh, vòng găng, su páp, hộp số thủy) uy tín và thường xuyên cho một số nhà sản xuất, lắp ráp tên tuổi như: Honda, Suzuki, Yamaha, Vmep, Atsumitec, Sumitomo... Công ty hiện có 10 dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công nghệ đúc, rèn, dập, gia công cơ khí, nhiệt luyện. Một số DN khác như Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công, Công ty CP cơ khí Phổ Yên, Công ty CP Cơ khí Gang thép… cũng đang là nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm cơ khí chế tạo cho nhiều hãng lớn với đơn hàng lên tới cả triệu sản phẩm mỗi năm.

3. Mặc dù có nhiều cơ hội, nhất là lại có bề dày phát triển CN, song nhiều chuyên gia đang trăn trở bởi điều kiện thích ứng để làm đơn vị hỗ trợ cho đối tác của DN trong tỉnh còn hạn chế, nhất là hỗ trợ cho ngành CN công nghệ cao, trong đó có Samsung. Ông Đinh Khắc Hiển, nguyên Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, tỉnh ta có lợi thế về phát triển CN hỗ trợ và thực tế đã có trên 20 DN sản xuất phụ tùng, chi tiết máy và cung cấp không ít phụ kiện cho các hãng sản xuất lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hỗ trợ cho ngành CN công nghệ cao, CN điện tử thì chúng ta chưa có. Đó là điều thiệt thòi cho nền kinh tế địa phương.

Chiến lược của chúng ta đối với nhà đầu tư Samsung không phải chỉ có con số tăng trưởng ấn tượng hay nguồn thu ngân sách dồi dào mà còn phải có được DN tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung và các DN lớn khác. Theo các nhà phân tích thì một khi Samsung Việt Nam đã chấp nhận một linh, phụ kiện nào của DN nội địa sản xuất thì Samsung trên toàn cầu cũng sẽ chấp nhận và đòi hỏi một lượng hàng không nhỏ, cung cấp ổn định. Để làm được điều này, DN Thái Nguyên cần phải có sự đầu tư chuyên sâu cả về chất lượng nhân lực, trình độ công nghệ để có thể tham gia sản xuất cùng Samsung giống như các nhà đầu tư nước ngoài khác. Mặt khác, ngoài cơ chế, chính sách về phát triển CN hỗ trợ của Trung ương, cũng cần có những cơ chế riêng của địa phương để khuyến khích các DN nội địa tham gia, nhất là cơ chế về vốn, nhân lực và công nghệ.