Chúng ta đều biết, Thái Nguyên là cái nôi của ngành luyện kim cả nước. Hiện nay, mặc dù xu thế phát triển có chững hơn nhưng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình bình ổn và điều tiết thị trường thép. Tuy nhiên, không phải đơn vị sản xuất thép nào cũng hoạt động ổn định và phát triển hiệu quả.
Khoảng chục năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh thép trên địa bàn tỉnh có những trăng trầm nhất định. Sự tác động từ ngoại cảnh như thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm sút, nền kinh tế vẫn đang ở bước đầu phục hồi... khiến cho ngành thép đã khó càng thêm khó. Theo báo cáo 9 tháng năm 2017 của Cục Thống kê, lượng thép tồn kho trên địa bàn tỉnh hiện nay vào khoảng 140 nghìn tấn, tăng hàng chục phần trăm so với các năm trước. Mặc dù trong tổng số hàng trăm DN phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng những năm qua không có DN nào của ngành thép, nhưng từ thực tế cho thấy cũng có thời điểm một số đơn vị cán thép phải tạm dừng sản xuất vì nhiều lý do khác nhau.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị sản xuất, kinh doanh thép xây dựng chủ đạo. Ngoài Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên, các đơn vị sản xuất khác hoặc là có công suất không lớn, hoặc là công suất lớn nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Đơn cử, Nhà máy Cán thép Thái Trung có công suất 500 nghìn tấn/năm, thời gian đầu phải dừng sản xuất vì hàng hóa làm ra chưa thể vào được thị trường do là sản phẩm mới, chưa được người tiêu dùng kiểm chứng chất lượng; mặc dù hiện nay đã sản xuất trở lại nhưng sản lượng chỉ đạt một phần nhỏ so với công suất thiết kế. Hay với Công ty Liên doanh thép Việt - Sing (Natsteelvina) có công suất 200 nghìn tấn/năm nhưng hiện nay cũng sản xuất không đạt công suất thiết kế. Còn một số nhà máy sản xuất gang luyện thép hoặc cán thép có quy mô nhỏ khác cũng đang hoạt động ở mức vừa phải.
Các ngành chuyên môn khẳng định, chúng ta có lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất thép, nhưng đổi lại công nghệ chế biến của hầu hết các DN trong tỉnh còn khá lạc hậu, đã xuống cấp dẫn đến việc chi phí đầu vào cao, lợi nhuận thấp, khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác. Bởi vậy, khi Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt, hệ thống các dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ hiện đại, tiên tiến đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Không chỉ nhà quản lý mà ngay cả các nhà sản xuất, các đối tác và người tiêu dùng đều kỳ vọng vào Dự án này. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, Dự án này đang nằm trong số những dự án đình trệ đã được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tìm giải pháp tháo gỡ. Gần đây, Dự án này le lói có hướng mở khi một nhà đầu tư tiềm năng của tỉnh tham gia Hội đồng quản trị của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với vai trò Chủ tịch. Mặc dù vậy, để vực lại Dự án là cả một quá trình không đơn giản.
Con số thống kê cho thấy, sản lượng thép xây dựng hiện tại của tỉnh theo công suất thiết kế đang ở mức trên 1 triệu tấn/năm. Các đơn vị cán thép gồm: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Liên doanh thép Việt - Sing, Công ty CP Cán thép Thái Trung, Công ty CP Cán thép Thái Nguyên, Nhà máy thép Trường Sơn, Công ty CP Thép Toàn Thắng... Các đơn vị này hiện vẫn duy trì hoạt động nhưng tăng trưởng không cao so với trước đây. Ngoài cán thép, trên địa bàn tỉnh còn có các đơn vị sản xuất gang luyện thép, phôi thép. Theo quy hoạch của tỉnh thì ngoài Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, giai đoạn này trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư từ 5 đến 7 cơ sở chế biến sâu, loại lò cao có dung tích từ 22 đến 75m3. Và thực tế tỉnh đã cấp phép đầu tư cho ít nhất 7 đơn vị với 8 cơ sở chế biến sâu với tổng công suất (cả gang và hợp kim sắt) là 275 nghìn tấn/năm. Trong đó, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên xây dựng nhà máy luyện gang với công suất thiết kế 120 nghìn tấn/năm; Công ty CP Gang Hoa Trung, luyện gang công suất 25 nghìn tấn/năm; Công ty CP Kim khí Gia Sàng luyện gang công suất 25 nghìn tấn/năm; DN tư nhân Anh Thắng luyện gang tại hai nhà máy với tổng công suất 65 nghìn tấn/năm; Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi thu hồi gang từ lò hồ quang công suất 20 nghìn tấn/năm; HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công luyện Feromangan và Silicomangan công suất 30 nghìn tấn/năm; Công ty TNHH Đúc Vạn Thông công suất 45 nghìn tấn hợp kim sắt và 5 nghìn tấn gang/năm. Tuy nhiên, thực tế khoảng 50% trong số này đã không còn duy trì và phát triển như trong quy hoạch. Trong đó, một số đã tạm dừng, số khác chuyển đổi chủ sở hữu và chỉ sản xuất cầm chừng, số còn lại đang trong quá trình đầu tư tái khởi động.
Như vậy có thể thấy bức tranh của ngành sản xuất thép trên địa bàn đang có những khó khăn, ảm đạm nhất định. Mặc dù theo quy hoạch, việc cân đối cung, cầu ngành thép là hoàn toàn hợp lý nhưng chúng ta vẫn phải nhập phôi thép từ nước ngoài là chủ yếu và chưa tận dụng được triệt để nguyên liệu dồi dào tại chỗ. Công nghệ sản xuất thép của chúng ta còn lạc hậu, năng lực đầu tư hạn chế, cộng với thị trường khó khăn đã khiến các DN ngành thép thiếu tự tin trong tăng trưởng. Điều đó đòi hỏi về lâu dài, chúng ta phải có quy hoạch thật sự cụ thể và phù hợp cho ngành công nghiệp quan trọng này của tỉnh.