Dù còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2017, song đến thời điểm này, ngành công nghiệp (CN) của tỉnh đã cho thấy những chuyển biến khá rõ nét. Hơn 10 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 18%, nhóm ngành khai khoáng tăng hơn 19%...
Tuy không có mức tăng trưởng đột biến như một vài năm trước, song so với thực số đạt được, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của tỉnh vẫn rất cao. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 93% toàn ngành. Phải thừa nhận, ngành CN của tỉnh có bước phát triển mạnh cũng là nhờ khu vực vốn FDI với dòng sản phẩm chủ đạo là điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Năm 2016 vừa qua, GTSXCN khu vực vốn FDI đạt 444 nghìn tỷ đồng, bằng 109,6% kế hoạch. Trong năm 2017 này, dự kiến khu vực FDI sẽ vượt cả chục phần trăm so với năm trước. Đặc biệt, sản phẩm điện thoại thông minh hơn 10 tháng qua đã đạt trên 80 triệu sản phẩm, tăng 21,6% cùng kỳ; máy tính bảng đạt gần 18 triệu sản phẩm, tăng 1,4%...
Cùng với khu vực FDI, khu vực CN nội địa (gồm cả CN Trung ương và địa phương) cũng có những chuyển biến đáng kể. Dù chỉ chiếm khoảng 7% trong ngành (CN địa phương chiếm 3,6% và CN Trung ương chiếm 3,4%), nhưng sự chuyển động của khu vực này đã giúp giải quyết khoảng 40% lao động toàn ngành. Do đó, kết quả sản xuất CN trong nước tuy không đóng góp nhiều về giá trị sản xuất nhưng có tác động lớn đến đời sống người lao động. Đánh giá của Sở Công Thương cho thấy, năm 2017 nhịp độ sản xuất CN của các doanh nghiệp nội địa phát triển khá ổn định. Hơn 10 tháng qua, chúng ta được chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của một số dòng sản phẩm như: May mặc đạt khoảng 50 triệu sản phẩm, tăng trên 30%; Vonfram và sản phẩm của Vonfram đạt trên 16 nghìn tấn, tăng khoảng 24%; nước máy thương phẩm đạt khoảng 29 triệu m3, tăng trên 22%; đồng tinh quặng đạt trên 35 nghìn tấn, tăng 10%; sắt thép các loại đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng trên 5,4%; gạch xây dựng đạt khoảng 60 triệu viên, tăng khoảng 3%...
Theo đánh giá của các đơn vị sản xuất CN trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ sản phẩm khá tốt, chỉ số tiêu thụ tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số tiêu thụ sắt thép tăng khoảng 20%; xi măng tăng trên 8%; trang phục tăng khoảng 44%; tiêu thụ sản phẩm điện tử tăng 47%... Đặc biệt, lượng hàng tồn kho của các đơn vị sản xuất công nghiệp chủ yếu đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, có sản phẩm chỉ bằng 1/3 lượng tồn kho so với cùng kỳ. Cụ thể, thép cán tồn kho khoảng 140 nghìn tấn, xi măng tồn 27,8 nghìn tấn; điện thoại thông minh tồn kho trên 2 triệu sản phẩm; máy tính bảng tồn kho 0,3 triệu sản phẩm; may mặc tồn 5,2 triệu sản phẩm...
Ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công Thương) cho biết, kế hoạch sản xuất CN của tỉnh năm nay đề ra là 365 nghìn tỷ đồng, tăng tới 18% so với năm trước. Đây là mục tiêu được nhận định khá cao và không dễ hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này khả năng về đích của tỉnh là trong tầm tay. Bởi hiện tại, GTSXCN trên địa bàn đã đạt hơn 90% kế hoạch năm.
Dù hoàn thành kế hoạch không đáng lo ngại nhưng các chuyên gia cho rằng, mục tiêu lớn của tỉnh là đẩy mạnh phát triển CN khu vực nội địa. Để tăng tỷ trọng đóng góp của CN nội địa trong toàn ngành, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là sự quan tâm đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong nước, đồng thời thực hiện kế hoạch phát triển CN dài hạn. Theo đó, trong năm 2018, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách đối với ngành CN hỗ trợ, đặc biệt là CN hỗ trợ công nghệ cao. Tận dụng triệt để nhu cầu của Samsung đối với các DN phụ trợ để khuyến khích DN trong nước tiếp cận, trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện và lắp ráp các sản phẩm cho Tập đoàn danh giá này. Mặt khác, tích cực quan tâm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ về vốn, công nghệ, thông tin. Dành một khoản kinh phí thích đáng cho công tác hỗ trợ đầu tư và phát triển các sản phẩm CN công nghệ mới, tiểu thủ CN và làng nghề ở khu vực nông thôn. Nhất là tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập ở nông thôn, gắn phát triển CN nông thôn với xây dựng nông thôn mới. Có chính sách khuyến khích các DN địa phương đổi mới phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Thông qua đây giúp cộng đồng DN địa phương có lợi thế, điều kiện để phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.