Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt kỷ lục 425 tỷ USD, trong đó riêng giá trị xuất khẩu cũng vươn lên 213,8 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2016. Những thành quả là đáng tự hào, nhưng cũng đặt gánh nặng lên mục tiêu xuất khẩu trong năm 2018.
Áp lực không nhỏ
Dự báo tình hình XNK năm 2018, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2018, tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho XK. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ bởi sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính (CCHC), đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho XK.
Bên cạnh đó, các dự án lớn trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo... tiêu biểu là dự án Samsung Display mở rộng được đầu tư trong thời gian qua đã bước vào sản xuất, XK từ cuối năm 2017 và hứa hẹn sẽ tạo nguồn hàng ổn định cho năm 2018. Các mặt hàng XK chủ lực khác của Việt Nam như dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết thời gian qua và kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường EU khi Hiệp định FTA với khu vực này chính thức có hiệu lực.
Về các ngành hàng cụ thể, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, vượt qua những thách thức của năm 2017, năm tới, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi khi FTA Việt Nam-EU, Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết vào tháng 3 tới, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành dệt may. Do đó, toàn ngành đặt mục tiêu XK 33,5 tỷ USD trong năm 2018.
Tuy vậy, tình hình XK năm 2018 cũng tiếp tục phải đối mặt với một số khó khăn, như kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều; căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng như giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK nông sản, thủy sản...
Là một trong những mặt hàng XK chủ lực, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, ngành da giày và túi xách vẫn phải đối diện với bốn thách thức lớn là phí nhân công cao, xu thế áp dụng tự động hóa, chính sách bảo hộ đang có xu hướng quay lại và sự cạnh tranh thị trường ngày càng mạnh. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giúp ổn định nhân công nhưng việc tự động hóa cũng là thách thức lớn cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm XK có giá trị cao hơn.
Đa dạng giải pháp
Trước những thuận lợi và khó khăn kể trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% là có, nếu chúng ta thực sự nỗ lực. Thực hiện mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước, để đạt mục tiêu tăng trưởng XK 10%, Bộ Công thương đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động XNK; đẩy mạnh CCHC và hiện đại hóa thủ tục hành chính (TTHC); đưa các TTHC có tác động nhiều tới DN vào xử lý theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4...
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch đối với các mặt hàng nông, thủy sản gắn với thị trường nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để phục vụ XK. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho XK.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng công tác thông tin dự báo. Chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam để giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, Hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
Các DN XK các ngành hàng chính cũng đang thúc đẩy các giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn trong ngành hàng của mình. Cụ thể, giải pháp Lefaso đưa ra để khắc phục chi phí nhân công cao là dịch chuyển sản xuất về nơi có chi phí nhân công thấp, nhiều lao động. Đơn cử, phía Tây Nam là khu vực tiềm năng cho doanh nghiệp da giày khi ở đây năng lực DN mới chỉ đạt 10%, trong khi dân số 18 triệu người, là nguồn nhân công dồi dào. Về phía DN, nên đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có giá trị trung bình và cao thay vì sản xuất ở giá trị thấp bởi lợi thế cạnh tranh của chúng ta đang nằm ở phân khúc này.
Đối với các DN XK thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh: “Nói đến XK thủy sản chắc chắn là vấn đề chất lượng. Đây là yếu tố sống còn và động lực để phát triển. Khi chúng ta có sản phẩm tốt, an toàn chắc chắn có thị phần tốt trên thị trường”.
Về phía thị trường, ông Trương Đình Hòe chia sẻ, Trung Quốc tiếp tục là bệ đỡ tăng trưởng tốt cho DN nhưng cần lưu ý không nên bất chấp XK bằng mọi giá. Cần đánh giá đúng nhu cầu của thị trường Trung Quốc để cung cấp những sản phẩm phù hợp và nên đẩy mạnh XK chính ngạch vào thị trường này. Với thị trường Mỹ, các rào cản kỹ thuật từ quốc gia này đang ngày càng nhiều nên chắc chắn DN Việt Nam phải tạo niềm tin về chất lượng để vượt qua các rào cản kỹ thuật đó.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý minh bạch, trong sáng, công khai để DN thuận lợi nhất trong tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất, đạt mục tiêu XNK đã đề ra.