Giá thép xây dựng tăng: Không lo “găm” hàng, “thổi” giá

10:34, 05/03/2018

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, giá thép xây dựng liên tục tăng và khả năng sẽ còn tăng. Theo lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), thị trường thép thời gian tới không thiếu hàng nên sẽ không có việc “găm” hàng, “thổi” giá.   

Doanh nghiệp chủ động 

Những ngày này, có mặt tại “phố thép” nằm trên đường Thanh niên xung phong, thuộc phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được chứng kiến hoạt động mua, bán khá tấp nập. Tại các doanh nghiệp (DN) tư nhân: Kim khí Luyến Dung, Quang Na, Tân Phát Vượng, nhiều xe tải chở hàng chục tấn thép ra, vào kho liên tục. Được biết, hai tháng qua, giá thép liên tục tăng. Đầu tháng 1, tăng 100.000 đồng/tấn, sau đó tăng thêm 500.000 đồng/tấn vào tháng 2. Hiện tại, giá thép xây dựng đang ở mức 15,3 triệu đồng/tấn. Mức tăng này được cho là khá cao, vì so với thời điểm giá thép lên cao nhất trong năm 2017 thì mức giá hiện tại ca hơn 1 triệu đồng/tấn. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Dự báo, nhiều khả năng sẽ tăng thêm 300.000 đồng/tấn trong thời gian tới.

Giá thép tăng khiến nhiều DN phấn khởi vì đã chủ động nhập nguồn hàng từ trước đó. Bà Đỗ Thị My, chủ DN tư nhân Trường My - đơn vị chuyên cung cấp, phân phối thép của Tisco vui vẻ nói: Thông thường giá thép sẽ biến động sau Tết, vì thế, cuối năm 2017, DN tôi đã nhập về kho 1,5 nghìn tấn thép. Điều này, vừa tránh nguy cơ thiếu hàng cục bộ và mua được giá rẻ hơn so với thời điểm hiện tại. Tương tự, tại các công ty TNHH Thương mại Vân Cường, Bình Minh cũng đã nhập về một lượng hàng khá lớn. Nhờ sự chủ động này cộng với sức mua bắt đầu “nóng” dần lên do bước vào mùa xây dựng khiến nhiều DN thu được lãi lớn.

Đối lập với sự phấn khởi của các DN, hiện tại, nhiều người tiêu dùng lại cảm thấy lo lắng, đặc biệt là các chủ xây dựng. Ông Lê Văn Chuyền, một chủ thầu xây dựng trên đường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên giọng lo lắng: Cuối năm 2017, Công ty đã ký hợp đồng xây dựng công trình sử dụng khoảng 100 tấn thép. Khi đó giá thép khoảng 14,7 triệu đồng/tấn, thời điểm hiện tại giá thép tăng, Công ty phải chi thêm 60 triệu đồng cho công trình, khiến lợi nhuận của chúng tôi giảm nhiều. Còn anh Nguyễn Hữu Luân, ở tổ 16, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Tôi chuẩn bị xây dựng nhà ở 3 tầng có diện tích 200m2 nên cần khoảng 30 tấn thép. Với giá thép mới chi phí xây nhà của gia đình tôi phải đội thêm hơn 20 triệu đồng. 

Không lo thiếu nguồn cung

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phòng Thị trường (Tisco) phân tích: Do sự biến động về giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, sắt phế (tăng 7-8%) so với trước đã đẩy giá phôi lên 12,6 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, sự tăng giá của than điện cực đối với các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lò điện như Tisco lại càng làm cho giá thép thành phẩm tăng lên. Từ đầu năm 2018 đến nay, Tisco đã điều chỉnh tăng giá thép 600.000-700.000 đồng/tấn. Hiện tại, giá thép cây của đơn vị là 14 triệu đồng/tấn, thép phi 6, phi 8 là 14,1 triệu đồng/tấn. Với giá bán lẻ hiện nay của các DN là 15,3 triệu đồng/tấn được cho là hoàn toàn phù hợp với mức điều chỉnh giá của Công ty, sau khi đã bao gồm thuế VAT.

Đại diện của Tisco cũng có dự báo, trong tháng 3-2018, giá thép sẽ có khả năng tăng thêm 200.000-300.000 đồng/tấn. Dù vậy, do thời điểm này đang bước vào mùa xây dựng nên việc tiêu thụ vẫn sẽ thuận lợi. Song để tránh xảy ra tình trạng các DN, đại lý “ôm” hàng, Công ty đã chỉ đạo các hệ thống phân phối cấp I, cấp II thực hiện cam kết không “găm” hàng và đảm bảo cung cấp đủ hàng cho người tiêu dùng của hệ thống. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy việc “thổi” giá chỉ xảy ra khi thị trường rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. Do đó để hạn chế nguy cơ này, Tisco đã và sẽ chủ động điều tiết thị trường bằng việc đảm bảo cung cấp đủ lượng thép trong mùa xây dựng đang cận kề. Đây cũng được xem là giải pháp gián tiếp nhằm ngăn chặn những cơn “sốt” hàng ảo và trục lợi đẩy giá thép lên cao của các DN, đại lý trong thời gian tới.

Ở góc độ DN, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kim khí Luyến Dung - đại lý phân phối cấp II của Tisco cho biết: Hiện tại, Công ty đều áp giá theo bảng niêm yết công khai, thực hiện bán giá theo công bố của Tisco. Nếu chúng tôi tự ý tăng giá, các cửa hàng cấp III, cấp IV sẽ có ý kiến ngay và phía nhà sản xuất cũng sẽ ngừng cung cấp cho Công ty. Hiện tại, lượng thép tiêu thụ của DN vào 50-100 tấn/ngày, khách mua chủ yếu là các nhà thầu xây dựng và đại lý cấp dưới. Nhiều chủ cửa hàng này dự đoán, sức mua thép của người dân vào thời gian tới cũng không có nhiều biến động so với hằng năm. Trong khi ngày càng có nhiều cửa hàng kinh doanh sắt thép nên việc tự ý tăng giá sẽ càng khó cạnh tranh, thu hút khách hàng và dần đánh mất uy tín của mình.

Có thể thấy, mặc dù giá thép tăng, song do các DN, đại lý chủ động được nguồn hàng đã khiến thị trường thép trên địa bàn tỉnh sôi động ngay từ đầu năm. Cùng với đó việc đảm bảo nguồn hàng trong thời gian tới sẽ loại bỏ nguy cơ “găm” hàng, “thổi” giá của DN, đại lý, giúp người tiêu dùng yên tâm, chủ động trong việc mua thép.