Nhìn những cỗ máy tự mình sáng chế từng ngày bắt nhịp với guồng quay sản xuất và đem lại lợi ích cho công nhân, anh Vũ Xuân Trường, 51 tuổi, công nhân Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) lại có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Chúng tôi đến Nhà máy vào một ngày đầu tháng 4. Đứng cạnh dây chuyền cán thép nóng như lửa đổ, mồ hôi túa ra liên tục nhưng anh Trường vẫn cặm cụi ghi chép các con số vào bản vẽ cơ khí. Khi thấy chúng tôi tới, anh mới dừng công việc lại. Qua một đồng nghiệp của anh, chúng tôi được biết anh đang tranh thủ kiểm tra lại hệ thống bàn lật phôi thép tự động - một trong ba sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong năm vừa qua của anh.
Dẫn chúng tôi đi xem thực tế thiết bị, anh Trường say sưa nói: Để ý các anh sẽ thấy, hiện nay, tại các giá cán thép đã không còn công nhân đứng làm việc. Trước đây, mỗi giá cán thép phải cần 3-4 công nhân/ca đảm nhận công việc trong 8 tiếng, thì nay, máy móc đã thay thế toàn bộ con người. Phôi thép nặng 5-6 tấn và nóng hơn 1.200 độ C khiến các công nhân làm việc tại vị trí cán thép lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi và cực nhọc. Nhiều người vì thế mà bỏ ngang công việc. Nhà máy nhiều năm cũng khó tuyển được lao động mới. Là Tổ trưởng Tổ kỹ thuật - sản xuất, anh Trường thấy mình cần có sáng kiến giúp Nhà máy khắc phục khó khăn trên. Với kinh nghiệm, kiến thức cơ khí tự tích lũy hơn chục năm, chỉ sau 3 tháng nghiên cứu, anh Trường đã chế tạo và chạy thử nghiệm thành công "bàn lật phôi tự động”. Ngay sau sáng kiến này, anh tiếp tục cho “ra đời” “máy gạt thép tự động” và “máy kéo đầu, đuôi thép hình” thay thế cho nhiều nhân công trong sản xuất. Từ đó, công nhân không còn phải làm việc trực tiếp với các phôi thép nóng đỏ và giảm nguy cơ tai nạn lao động. Riêng đối với “máy kéo đầu, đuôi thép hình” sau khi được đưa vào ứng dựng đã giúp Nhà máy tối giản toàn bộ công nhân làm việc tại vị trí này (2 công nhân/ca). Hơn nữa, sáng kiến còn giúp cho các thép thành phẩm sau khi cán sẽ tự động tách khỏi nhau tránh sự va đập giữa đầu thép này và đuôi thép khác.
Điểm thú vị ở những sáng kiến là máy móc đều được anh Trường chế tạo hoàn toàn bằng sắt phế và hoạt động nhờ khí nén tận dụng từ lò nung của Nhà máy nên chi phí đầu tư và vận hành không quá tốn kém. Tuy nhiên, cũng không dễ để làm ra những sản phẩm hữu ích này. Anh Trường chia sẻ, khi mới hình thành ý tưởng, lúc nào tôi cũng phải đau đáu suy nghĩ về nó. Dành toàn bộ thời gian trong công việc và những khi rảnh rỗi để tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của mỗi loại máy, đo đạc và tính toán công thức. Sau đó, chạy thử nghiệm và chỉnh sửa bản vẽ không biết bao nhiêu lần mới chế tạo ra được chiếc máy hoàn chỉnh. Anh cũng cho hay do xuất phát không phải là “dân” kỹ sư nên mất nhiều thời gian để vẽ thiết kế, tính toán khi sáng chế máy móc, thiết bị. “Tôi vẫn trêu với mọi người là bản vẽ nằm trong “đầu”, nhưng thực chất để thể hiện lên trang giấy thì cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kỹ thuật viên. Những thứ tôi vẽ ra thường chỉ là những thông số cơ bản tự mình đúc kết lại qua những lần chạy thử nghiệm”, anh Trường bộc bạch.
Ngược dòng thời gian,năm 2004, từ công nhân cán thép anh được chuyển sang nhận nhiệm vụ mới (công nhân cơ khí). Cũng trong năm đó, anh được Nhà máy giao “nghiên cứu thay thế dây chuyền sản xuất trục cổ bạc sang vòng bi”. Từ sự thành công này, anh Trường bắt đầu có thêm động lực, và niềm đam để tìm tòi thêm nhiều sáng chế.
Anh tâm sự: “Để hoàn thành nhiệm vụ trên, tôi mất gần 2 năm tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của các đầu máy trong phân xưởng. Tự làm, tự học kiến thức qua sách vở, trao đổi thêm giữa các đồng nghiệp và mày mò từ những lần sửa chữa máy móc. Mỗi ngày, tôi tự tay sáng chế bất kỳ chi tiết thay thế các máy trong phân xưởng từ phép thế bỏ đi”. Nhiều lần thất bại nhưng anh không nản lòng mà biến nó thành động lực để rút ra được kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân. Nhờ sự quyết tâm, anh đã thực hiện thành công nhiệm vụ Nhà máy giao. Dây chuyền sản xuất vòng bi khi đưa vào ứng dụng đã giúp cho thép thành phẩm đạt được sự ổn định về kích thước và trọng lượng; tỷ lệ tiêu hao phế liệu giảm từ 1,2% xuống còn 1,03%. Ban lãnh đạo Nhà máy cũng đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất này từ 4 lên 10 giá cán thép.
Sau thành công đó, anh Trường tiếp tục khẳng định sự cố gắng với các sáng chế khác như “hộp lật thay thế ống vặn trong dây chuyền cán thép” và “máy định kích thước phục vụ hệ thống thép hình”. Hết sáng kiến này lại đến sáng kiến khác và ngày càng được anh rút ngắn thời gian thực hiện từ 1, 2 năm xuống còn 1, 2 tháng, phần lớn sáng kiến được Ban Giám đốc Nhà máy ghi nhận, đầu tư mở rộng sau khi chạy thử nghiệm. Và tính đến nay, anh có tới 6 sáng kiến kỹ thuật, làm lợi cho Nhà máy hàng tỷ đồng. Các sáng kiến còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt hạn chế nguy cơ tai nạn lao động đối công nhân đó là giá trị vô giá mà những sáng kiến của anh Trường đem lại.
Nhờ lòng say mê và sự cố gắng anh Trường đã vượt qua những khó khăn ban đầu để có được những thành công nhất định và được tôn vinh xứng đáng. Năm 2016, anh được nhận Bằng khen “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tháng 5-2017 anh tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Vì đã có thành tích trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; nhiều năm liền anh Trường đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nói về anh “cây sáng kiến” của Nhà máy, ông Vũ Văn Úy, Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá cho hay: Mọi người trong Nhà máy luôn nể phục, quý mến anh Trường bởi sáng kiến hữu ích trong cải tiến kỹ thuật. Dù không tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư nhưng bằng sự nỗ lực, lòng đam mê và trí thông minh của mình anh đã không ngừng cho “ra đời” những sáng kiến đem lại lợi kinh tế cho Nhà máy và ý nghĩa “nhân văn” đối với người lao động..