“Cú hích” trong phát triển sản xuất, chế biến lâm sản

10:18, 31/05/2018

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở chế biến lâm sản cải tiến công nghệ, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tập trung hỗ trợ vốn, máy móc thiết bị cho những đơn vị này. Từ đó tạo “cú hích” góp phần giúp các đơn vị ổn định sản xuất, nâng cao năng suất hoạt động, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Được thành lập từ năm 2009 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, gia công đồ gỗ, chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế, Hợp tác xã (HTX) Chế biến và Kinh doanh lâm sản Trà Thịnh, ở xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) là một trong những đơn vị được thụ hưởng ưu đãi từ chính sách khuyến công năm 2017. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2017, HTX được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ”, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm hơn 340 triệu đồng để mua mới 1 máy điêu khắc gỗ CNC đa chức năng. Từ khi có máy, năng suất lao động được nâng cao (gấp khoảng 8-10 lần so với sản xuất thủ công), các sản phẩm gỗ có độ chính xác cao, tỷ lệ sản phẩm sai, hỏng gần như không có... Trên cơ sở đó, HTX sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả, hiện tạo việc làm cho 15 thành viên là lao động cố định và gần 30 lao động thời vụ với mức thu nhập trung bình là 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở sản xuất của anh Đồng Văn Hùng thuộc Làng nghề mộc, mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình) cũng là một trong những đơn vị được hưởng nguồn vốn khuyến công của tỉnh. Anh Đồng Văn Hùng cho biết: Hiện gia đình tôi có 2 xưởng sản xuất, gia công đồ gỗ cùng nhiều loại máy móc với tổng giá trị trên 800 triệu đồng. Đầu năm 2017, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng để mua mới 1 máy điêu khắc gỗ CNC (tổng trị giá trên 740 triệu đồng). Mặc dù số tiền được hỗ trợ không nhiều so với tổng giá trị máy móc, song đó lại là động lực khuyến khích rất lớn đối với chúng tôi, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước đối với người lao động. Qua đó, chúng tôi cảm thấy phấn khởi và có ý thức nâng cao hiệu quả, mở rộng sản xuất.

Không chỉ có cơ sở của gia đình anh Đồng Văn Hùng và HTX Chế biến và Kinh doanh lâm sản Trà Thịnh, những năm qua, rất nhiều đơn vị, hộ cá thể được nhận hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên. Theo thống kê, trong 2 năm 2016-2017, Trung tâm đã triển khai thực hiện 43 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn máy móc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn là: Máy điêu khắc gỗ CNC dùng cho gia công đồ gỗ, máy ép nhiệt sử dụng trong sản xuất ván ép… Đơn cử như: Cơ sở bóc gỗ của anh Đặng Văn Phượng, xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh (Phú Bình) được hỗ trợ 150 triệu đồng; cơ sở sản xuất và gia công đồ gỗ của gia đình anh Bế Văn Đạt, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ); anh Nguyễn Tiến Sỹ, xã Cổ Lũng (Phú Lương) được hỗ trợ 100 triệu đồng mua máy điêu khắc gỗ CNC… Theo đánh giá, nhìn chung, các đơn vị sau khi được hỗ trợ đã mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư mới. Để đảm bảo hiệu quả, máy móc thiết bị sử dụng đúng mục đích, trước khi triển khai thực hiện đề án, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được tư vấn, cung cấp thông tin về trang thiết bị, máy móc đầy đủ, kỹ lưỡng. Có thể nói, đây là hoạt động rất thiết thực, qua đó, giúp các cơ sở sản xuất gỗ từng bước thay đổi cách thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tïë cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên cho biết: Tỉnh ta có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến lâm sản với nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú, cùng với đó là nguồn lao động tay nghề cao tại một số làng nghề trên địa bàn. Để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển theo xu hướng này, những năm qua, bên cạnh hỗ trợ thiết bị mới vào sản xuất, Trung tâm đã  tăng cường phối hợp với phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị, thành triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến gỗ. Đồng thời, giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo các đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao, cung cấp đa dạng sản phẩm gỗ cho thị trường trong và ngoài nước…

Có thể thấy rằng, hoạt động khuyến công đã trở thành một “cú hích” để các làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn có thêm động lực phát triển, tích cực đổi mới kỹ thuật, đầu tư phát triển sản xuất. Theo kế hoạch, từ nay cho tới hết năm 2018, Trung tâm sẽ triển khai 26 đề án, trong đó, 22 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng, 4 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 800 triệu đồng.