Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Thương mại Thái Hưng đã góp mặt trong câu lạc bộ 1.000 tỷ về vốn điều lệ. Đặc biệt, với 12 công ty, chi nhánh và 2 công ty tham gia góp vốn cổ phần, đến nay, tổng tài sản toàn hệ thống Thái Hưng đạt khoảng 9.000 tỷ đồng; doanh thu đạt từ 18.000 - 20.000 tỷ đồng; đứng trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (xếp hạng 67/500), Top 10 doanh nghiệp trẻ và TOP 1000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam.
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI của Đảng (1986) đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, là tiền đề ra đời Luật Doanh nghiệp tư nhân số 48-LCT/HĐNN8, được Quốc Hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 21/12/1990 và có hiệu lực 15/04/1991. Đây cũng là một bước ngoặt lớn của cộng đồng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó có Công ty CP Thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Thái Hưng). Ngày 22/5/1993, từ một Cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng chính thức ra đời theo Quyết định số 291/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Thái, nay là tỉnh Thái Nguyên. Với ngành nghề kinh doanh chính là các sản phẩm thép xây dựng, trong những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp chỉ có 82 triệu tiền đồng, với 9 lao động hợp đồng, kinh doanh ngay tại nơi ở nhỏ hẹp của gia đình tại số nhà 595, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên.
Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, dưới sự quản lý, lãnh đạo sáng suốt, nhanh nhạy của nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Cải, doanh nghiệp đã từng bước chiếm lĩnh thị phần thép xây dựng trong nước và bước đầu mở rộng quan hệ hợp tác buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, sau khi Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO vào những năm 2000, Thái Hưng đã xác định: WTO không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Việt Nam gia nhập WTO chính là tạo điều kiện “mở cánh cửa lớn” để các doanh nghiệp, trong đó có Thái Hưng bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Xác định như vậy nên ngay từ những năm 2000-2003, Thái Hưng đã xây dựng chiến lược, thay đổi nhận thức, quy mô, vị thế của mình trên thị trường thép và là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam chủ động đặt quan hệ hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa với nhiều đối tác lớn tại 13 nước quốc gia phát triển trên thế giới. Đây cũng chính là câu trả lời cho những thắc mắc, tại sao thương hiệu Thái Hưng không những nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến rộng rãi trong ngành Thép tại nhiều nước trên thế giới…!
Sau 10 năm phát triển kinh doanh các mặt hàng thép xây dựng, năm 2003, hoạt động cung ứng của Thái Hưng đã bao phủ toàn bộ thị trường thép trong nước từ Bắc vào Nam với hơn 1.000 đại lý, khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, thị trường thế giới cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu sắc hơn, tương xứng hơn với bạn hàng, đối tác tại 28 nước trên thế giới.
"Chiếc áo" của doanh nghiệp đã quá chật, trong khi nền kinh tế đất nước giai đoạn này có sự tăng trưởng nhanh, hội nhập sâu rộng với thế giới, vì vậy, Thái Hưng quyết định thay đổi mô hình hoạt động và quy mô doanh nghiệp từ Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng thành Công ty CP Thương mại Thái Hưng.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nền kinh tế trong nước cũng bị tác động, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, lạm phát tăng vọt... Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ ban hành được coi như một bước đi mạnh mẽ nhằm rà soát và tái cơ cấu lại hoạt động của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy lùi lạm phát. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả đã được Thái Hưng mua lại và vực dậy sản xuất kinh doanh (SXKD) như: Công ty CP Lâm sản Thái Nguyên; Công ty CP Phát hành sách Thái Nguyên; Công ty CP Khách sạn Cao Bắc.... Cũng trong giai đoạn này, Thái Hưng đã mở rộng quy mô hoạt động SXKD theo mô hình quản trị công ty mẹ, công ty con. Đây cũng là tiền đề cho Thái Hưng tiếp tục thành lập và mua bán một số công ty con, công ty góp vốn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước… để 5 năm sau đó, đưa Thái Hưng góp mặt trong câu lạc bộ 1.000 tỷ về vốn điều lệ với 12 công ty con, chi nhánh và 2 công ty tham gia góp vốn cổ phần.
Toàn cảnh Công ty tại tổ 14, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển (2013), Thái Hưng đã đứng trong Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam với doanh thu bình quân hàng năm đạt từ 16.000-18.000 tỷ đồng, nộp thuế từ 500-600 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành TW, các địa phương ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 9 Cờ thi đua Chính phủ và hơn 300 phần thưởng cao quý khác; đặc biệt, Thái Hưng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 3 Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… Thái Hưng cũng trở thành một trong những hình mẫu về mô hình hoạt động doanh nghiệp tư nhân khi có đầy đủ các tổ chức Đảng, đoàn thể, hoạt động phối hợp hiệu quả. Năm 2015, sau khi hoàn thành xuất sắc xứ mệnh xây dựng Thái Hưng trở thành Doanh nghiệp có vị thế thương hiệu, tầm vóc và tăng trưởng bền vững.
Hằng năm, Công ty dành trên 1 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Từ năm 2016 đến nay, Thái Hưng đã xây dựng “Tầm nhìn và định hướng phát triển” toàn diện, dài hạn trong 10-15 năm tới. Cụ thể, Thái Hưng xây dựng định hướng phát triển theo mô hình hoạt động của Tổng công ty, dựa trên 3 trụ cột: Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ; lấy giá trị cốt lõi là ngành Thép làm trung tâm. Tháng 10-2016 Thái Hưng chính thức bước vào lĩnh vực sản xuất khi trở thành cổ đông chi phối, Công ty mẹ của Công ty CP Thép Việt Ý (VISCO); tháng 6-2017, Thái Hưng tiếp tục tham gia mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn, có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Đặc biệt trong năm 2018, năm mở đầu cho kỷ nguyên phát triển mới theo xu thế hội nhập toàn diện của đất nước, Thái Hưng tiếp tục liên kết, hợp tác với nhiều đối tác đầu tư trong lĩnh vực SXKD, nổi bật là việc hợp tác với Tập đoàn Thép KYOEI Japan, Tập đoàn Hòa Bình...; triển khai trong ngắn hạn Dự án Khu đô thị Thái Hưng Eco City với tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng.
Sau ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển, thời gian không phải quá dài đối với một doanh nghiệp, nhưng cùng với cộng đồng doanh nghiệp, Thái Hưng đã và đang hàng ngày góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua việc thu nộp ngân sách, tạo việc làm và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội… Với mục tiêu đến năm 2025: Trở thành top ba doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam; doanh thu hàng năm đạt trên 30.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước từ 800-1.000 tỷ đồng... Thái Hưng đang từng bước kiện toàn lại các hoạt động SXKD; thu hút nguồn nhân lực và hướng tới phát triển có chiều sâu, bền vững, dựa trên tầm nhìn và định hướng chiến lược cốt lõi.