Không chỉ được biết đến là một doanh nhân (DN) thành đạt trong lĩnh vực dệt may mà ở ông còn hội tụ những phẩm chất của một lãnh đạo đa tài với sự quyết đoán, sáng tạo và đầy bản lĩnh. Ông vốn khởi nghiệp không phải là người có nền tảng về thời trang và may mặc. Thế nhưng dường như cái nghiệp kinh doanh lại chọn ông để rồi hôm nay ông đang từng bước đưa các sản phẩm dệt may Việt Nam vươn tầm khu vực và đến được các thị trường nước ngoài khó tính. Đó là DN Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
Có mặt tại Trung tâm Thiết kế thời trang của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chúng tôi được DN Nguyễn Văn Thời đưa đi tham quan toàn bộ “trung tâm đầu não” của TNG và giới thiệu những mẫu thiết kế mới nhất của đơn vị đang được tung ra thị trường trong mùa hè năm nay. Với lối nói chuyện hào sảng, tự nhiên, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình và cơ duyên đến với ngành Dệt may.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, ông được điều về Công ty Xây lắp Điện Bắc Thái. Bằng tài năng và sự miệt mài lao động đã giúp ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Kế hoạch. Sau đó, ông được cử đi học Đại học Kinh tế. Khi ông ra trường cũng là lúc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) Thái Nguyên tiến hành tái cấu trúc và ông được cử sang làm Giám đốc Công ty May Thái Nguyên từ năm 1992. Thời kỳ này là giai đoạn sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, kéo theo nhiều hệ lụy trong đó sự biến động của thị trường Đông Âu khiến nhiều doanh nghiệp cũng như Liên hiệp May đứng trên bờ vực phá sản. Điều này đã khiến cho Công ty của ông không có đơn hàng đành phải chuyển sang thị trường nội địa trong nước. Vốn được đào tạo bài bản về kỹ thuật và kinh tế, ông nhanh chóng bắt mạch được xu thế kinh doanh và hướng đi của ngành Dệt may. Với đầu óc sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm, ông đã chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Chỉ trong vòng 10 năm sau khi tiếp quản, ông đã cùng Ban lãnh đạo Công ty mở rộng thị trường với nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước Đông Âu, đặc biệt sang cả thị trường Mỹ.
Là người có đầu óc tính toán, kinh doanh thức thời, ông nhận thấy cần phải cơ cấu lại mô hình từ công ty vốn Nhà nước sang công ty CP để có thể cạnh tranh “sòng phẳng” hơn. Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch HĐQT đã phát triển vượt bậc với hàng loạt chi nhánh tại các địa phương trong tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thời tâm sự: Những thay đổi của Công ty trong thời gian qua đến từ việc tôi mong muốn thu hút được thêm vốn để tạo ra doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Chúng tôi đã minh bạch hoạt động, phân chia lợi ích rõ ràng, cái nào của riêng thì anh có toàn quyền, còn của chung thì bất cứ ai trong doanh nghiệp cũng không được tư lợi. Đây thực sự là cuộc đấu tranh với chính mình vì muốn doanh nghiệp thay đổi trước hết tư duy của mình phải thay đổi.
Uniqlo, Nike, Mango, Zara, GAP, Levi’s… là những thương hiệu tên tuổi bán lẻ và thời trang cho số đông người tiêu dùng trên toàn thế giới. Đây cũng là những “đại gia” đã tìm đến với ngành công nghiệp gia công của Việt Nam và TNG là một trong số nhiều đơn vị chuyên làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài này trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, điều đó không làm ông Chủ tịch TNG thỏa mãn. Thay vì ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với các hãng nổi tiếng trên thế giới, TNG đã quyết định tự thiết kế và xây dựng một thương hiệu riêng của mình. Năm 2012, TNG đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng Trung tâm Thương mại và Thiết kế thời trang TNG với nhiệm vụ: Thiết kế, nghiên cứu thị trường, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu TNG.
Nói về quyết định đầu tư táo bạo này, DN Nguyễn Văn Thời tâm tư: Đối với doanh nghiệp ngành may mặc thì thiết kế là khâu quan trọng nhất, quyết định phần lớn giá trị gia tăng và tự chủ của doanh nghiệp. Không làm chủ được khâu thiết kế, doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu cắt may với lao động giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Chính vì hoạt động chủ yếu là khâu cắt may nên các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam thường cạnh tranh về giá gia công. Các đại diện thương mại nước ngoài ở Việt Nam thường xuyên ép giá trong khi doanh nghiệp Việt Nam không làm chủ được khâu thiết kế, không sáng tạo được mẫu mã nên mất vị thế trong đàm phán. Mặc khác, do không chủ động được khâu thiết kế nên không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải sử dụng nguồn nguyên liệu của đối tác hoặc mua theo chỉ định của đối tác nên thường có giá cao. Bởi vậy, việc làm chủ khâu thiết kế đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối.
Tại TNG, thiết kế không đơn thuần chỉ là các bản vẽ sản phẩm, cũng không đơn giản chỉ là việc tạo ra ý tưởng cho những sản phẩm độc đáo. Thành công của thiết kế là sản phẩm tạo ra có khả năng định hướng trào lưu tiêu dùng, thu hút được khách hàng tìm mua sản phẩm. Bên cạnh đó, để nắm bắt được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng, TNG còn có đội ngũ nghiên cứu thị trường năng động, thường xuyên có những đánh giá và dự báo nhu cầu. Đội ngũ này được kết nối chặt chẽ với đội ngũ thiết kế để phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Từ đây, toàn bộ sản phẩm thương hiệu TNG sẽ đến tay người tiêu dùng cả nước qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ rộng khắp toàn quốc. Hiện nay, các sản phẩm của TNG như áo sơ mi, quần âu, áo phông, váy công sở, vest, áo khoác mùa đông… đã từng bước thu hút được nhóm khách hàng là công chức, viên chức, nhân viên văn phòng… tại các thành phố lớn nhờ mẫu mã đa dạng, hợp thời trang, giá cả phù hợp và chất liệu sản phẩm tốt.
Nhưng thẳng thắn mà nói, TNG hiện vẫn bị mang mác là thương hiệu tỉnh lẻ, quá nhỏ bé hơn nhiều so với các đối thủ trong nước. Không bận tâm điều này, ông Thời qua quyết rằng: TNG chỉ cần có mặt tại những trung tâm thời trang lớn trong và ngoài nước thì nghiễm nhiên người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đều biết đến TNG. TNG đặt mục tiêu đến hết 2018 sẽ phát triển lên tổng số 100 cửa hàng trên tất cả các tỉnh, thành cả nước và đến 2021 phát triển lên trên 500 cửa hàng, đại lý bán lẻ phủ 80% các quận, huyện trên toàn quốc. Cùng với đó, TNG đang từng bước tham gia cạnh tranh trên thị trường thế giới. TNG đã thành lập chi nhánh tại Mỹ để từng bước thiết lập cơ sở nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hàng thời trang TNG “Made in Vietnam” vào những thị trường tiềm năng lớn như Mỹ, EU. TNG hy vọng xây dựng thành công thương hiệu thời trang TNG quốc tế vào năm 2025 với định hướng phát triển toàn bộ 230 chuyền may với khoảng 15 nghìn công nhân sản xuất chuyên các sản phẩm thời trang TNG và đem về doanh thu kỳ vọng lên đến 5 nghìn tỷ đồng/năm.
Mặc dù hiện nay đã bước sang tuổi lục tuần nhưng doanh nhân Nguyễn Văn Thời vẫn không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy, cách thức điều hành doanh nghiệp để bắt kịp với xu thế hội nhập chung của đất nước. Điều mà ông cảm thấy ấm lòng nhất là có được một đội ngũ cộng sự, cán bộ nhân viên tâm huyết, yêu nghề nhưng ông đặc biệt cảm thấy hạnh phúc nhất chính là các con của ông cũng hướng theo nghiệp cha. Các con ông sẽ là người thay ông tiếp tục viết tiếp niềm đam mê, chinh phục những thị trường khó tính trong và ngoài nước để ngày càng xây dựng vững chắc thương hiệu TNG khi ông lui về hậu trường. Chia sẻ về vấn đề này, DN Nguyễn Văn Thời cho biết: Việc chuyển giao quyền lực tại TNG không có khó khăn gì, vì tôi đã chuẩn bị từ những năm 2000. Đó là thời điểm TNG sắp cổ phần hóa, nhưng tôi đã xác định là công ty gia đình, sẽ gắn bó lâu dài nên định hướng cho hai con trai đi du học ở nước ngoài và theo nghiệp của bố. Hiện nay, con trai lớn của tôi phụ trách phát triển thương hiệu thời trang TNG tiêu thụ ở thị trường nội địa. Chuỗi cửa hàng này đã lên đến gần 100, tiến tới sẽ phát triển ra nước ngoài bằng chính thương hiệu TNG. Con trai thứ hai, đang làm tại Văn phòng đại diện ở Mỹ để tiếp nhận các đơn hàng ở thị trường này. Tôi kỳ vọng đưa thương hiệu TNG vươn ra thị trường thế giới, thoát khỏi mác gia công cho các thương hiệu quốc tế lớn. Các con tôi hơn tôi về tầm nhìn này vì chúng được tiếp cận với thị trường thế giới. Chúng đã đề ra mục tiêu không phải phấn đấu để đưa công ty nhất (lớn nhất) ở trong nước mà phải ra khu vực, thế giới, muốn so sánh với các công ty toàn cầu…