Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư thêm máy móc, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ (phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên) đã có những cải tiến, nâng cao kỹ thuật sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường. Nhờ đó công suất hoạt động của nhà máy được nâng lên và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đến đây vào cuối tháng 6, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, tập trung và tấp nập của người lao động. Kết quả hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất những tháng đầu năm và đảm bảo các vấn đề liên quan đến môi trường như tạo thêm sự hăng hái thi đua sản xuất cho người lao động. Có được kết quả này, thời gian qua, Công ty đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường từ việc đầu tư máy móc, cải tiến kỹ thuật đối với các khâu sản xuất.
Dẫn chúng tôi đi thăm phân xưởng Điện - Nồi hơi - Viên nén, Quản đốc Nguyễn Trung Dũng hồ hởi giới thiệu. Phân xưởng hơi là công trình phụ trợ quan trọng nhất trong trong quá trình sản xuất nhằm cung cấp sức nước để sấy khô giấy. Đây cũng là công trình được áp dụng công nghệ hướng tới bảo vệ môi trường - tần sôi và đốt bằng nhiên liệu sinh học (Biomas). Nghĩa là thay vì đốt bằng than như trước, thì nay, Công ty đã chuyển sang tận dụng những phế phẩm sinh học như vỏ cây, mùn cưa, củi gỗ nhằm tạo sự thân thiện với môi trường. Chỉ vào những công nhân đang vận hành máy móc trong phân xưởng, anh Dũng nói tiếp, hiệu quả dễ trông thấy nhất khi chuyển đổi công nghệ này là công nhân không còn cảnh mặt mũi lấm lem vì khói than, công việc vì vậy sẽ bớt bụi than độc hại hơn trước. Cùng với đó, việc chuyển đối sang công nghệ Biomas còn giúp Công ty tiết kiệm được chi phí nhiên liệu. Cụ thể, nếu như dùng than để vận hành lò hơi với công suất 12 tấn hơi/lò/ngày thì chi phí đầu vào khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên nếu thay thế than bằng mùn cưa, vỏ cây thì chi phí chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng (tiết kiệm được 60-70% chi phí nhiên liệu).
Cùng với thay đổi công nghệ sản xuất trong công trình phụ trợ, thời gian qua, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ còn đầu tư máy móc để nâng cao công suất hoạt động. Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Xác định sản phẩm thế mạnh của Công ty là giấy bao gói, xi măng, trong năm vừa qua, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất bao gói xi măng, với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Nâng tổng dây chuyền sản xuất của công ty lên 5 dây chuyền và cho công suất hoạt động tối đa khoảng 60 nghìn tấn sản phẩm giấy/năm. Cùng với đầu tư hai dây chuyền sản xuất mới, Công ty còn đầu tư thêm hai dây chuyền tuần hoàn nước và 3 bể, tháp lắng bột giấy, nhằm giảm lượng tiêu hao nguyên liệu và nồng độ chất ô nhiễm khi xử lý nước thải. Qua “mục sở thị”, chúng tôi thấy có 3 bể tháp lắng được sử dụng tách biệt để thu hồi lại bột giấy thất thoát của ba dây chuyền sản xuất giấy xi măng, giấy bao gói và giấy đóng lô cuốn chỉ. Điều này, giúp Công ty tận dụng lại được nguyên liệu cho lần sản xuất tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, công nhân đã có hơn 5 năm làm việc tại xưởng giấy nói: Từ trước 2012, toàn bộ các bột giấy thu hồi được Công ty sử dụng bằng công nghệ tuyển nổi nên lượng bột giấy thu hồi không được nhiều và phân chia thành từng loại sản phẩm như hiện nay. Vì thế khi tái sử dụng, chất lượng sản phẩm không đạt được độ bền và thẩm mỹ như đang ứng dụng công nghệ bể lắng. Tương tự đối với dây chuyền tuần hoàn nước khép kín, Công ty cũng cải tiến kỹ thuật - tăng cường 20% nước tuần hoàn/ca sản xuất để thu lại bột giấy tái sử dụng. Nhờ đó, lượng bột giấy thu hồi lại được nhiều hơn gấp 2, 3 lần so với trước. Chị Nguyễn Thị Lý, Kỹ sư môi trường của Công ty đánh giá: Việc đầu tư, cải tiến kỹ thuật trong tuần hoàn nước và bể chứa lắng giúp giảm hao phí nguyên liệu trong sản xuất; đồng thời giảm nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải. Từ đó, giúp việc xử lý nước thải sản xuất của Công ty chúng tôi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nhờ áp dụng hiệu quả những giải pháp nói trên, những năm qua, Công ty đã tiết kiệm được chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn với môi trường. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm doanh thu của đơn vị đạt trên 300 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ 10-13 tỷ đồng. Hiện tại, các sản phẩm của Công ty được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước và cả Trung Quốc. Từ đó, Ban lãnh đạo Công ty có điều kiện quan tâm hơn đến đời sống người lao động. Hiện nay, Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 người lao động, với thu nhập trung bình 7,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2017). Ngoài ra, Công ty còn thực hiện đóng đầy các khoản bảo hiểm và hỗ trợ nhà ở miễn phí cho những công nhân xa nhà. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp họ yên tâm công tác, cống hiến hết mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.