Ngày 15-8-2018, đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình vươn ra “biển lớn” của Masan Tài nguyên (MSR) khi Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) chính thức mua lại 49% cổ phiếu của H.C.Starck Gmbh (H.C.Starck) - Một thương hiệu được công nhận trên toàn thế giới và là nhà cung cấp đáng tin cậy của các Công ty sản xuất công nghiệp với giá trị 29,1 triệu USD. MRS đã trở thành chủ sở hữu 100% nhà máy chế biến vonfram hàng đầu thế giới.
Biến “đất trống” thành tài sản tỷ đô
Những năm 90 của thế kỷ trước, một số khu vực thuộc xã Hà Thượng (Đại Từ) là dải đất trống, đồi trọc, đồng ruộng bạc màu do ảnh hưởng ô nhiễm của một số đơn vị khai thác khoáng sản thủ công để lại.
Sau khi đầu tư thăm dò, Công ty Khoáng sản Tiberon Minerals của Canada đã phát hiện ra một mỏ đa kim có trữ lượng lớn với các khoáng sản có giá trị cao, gồm Vonfram, Bismut và Florit... nên đã triển khai lập dự án khai thác. Kết quả ngày 25-2-2004, Công ty Liên doanh Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NUIPHAOVICA) chính thức được trao Giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và thay đổi chủ đầu tư, trong một thời gian dài, Dự án Núi Pháo vẫn chưa thể triển khai để đi vào hoạt động. Đến năm 2010, Tập đoàn Masan mua lại 70% lợi ích tại Dự án Núi Pháo và gấp rút tái khởi động Dự án. Đây được xem là thử thách đối với một chủ đầu tư trong nước khi dám bỏ tới hơn 500 triệu USD đầu tư vào một “dải đất trống”, khiến dư luận không ít hoài nghi về sự thành công (?!).
Nhưng chỉ sau hơn 3 năm chính thức triển khai các hoạt động giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng và lắp đặt nhà máy, ngày 9-7-2013, những tấn sản phẩm đầu tiên đã xuất xưởng thành công. Năm 2014, Công ty chính thức đi vào sản xuất thương mại với 4 dòng sản phẩm chính: Vonfram, tinh quặng Florit, Bismut và Đồng. Chính trong thời gian này, để có thể có được công nghệ sản xuất chế biến Vonfram dòng cao cấp, NuiPhao Mining đã liên doanh với H.C.Starck (Đức) - là nhà sản xuất hàng đầu thế giới các sản phẩm bột kim loại công nghệ cao cũng như các thành phần cấu thành kim loại công nghệ.
Việc ra đời Liên doanh tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck là minh chứng cho doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể tham gia vào lĩnh vực chế biến sâu và xuất khẩu khoáng sản với giá trị gia tăng cao, đồng thời, đây là bước ngoặt cho NuiPhao Mining nói riêng và ngành khai thác chế biến khoáng sản Việt Nam nói chung trong nỗ lực gia tăng giá trị tài nguyên của đất nước. Công ty Liên doanh Núi Pháo - HC Starck cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp chứng nhận “Dự án ứng dụng công nghệ cao”.
Khu vực Núi Pháo trước khi triển khai dự án.
Năm 2015, Công ty đạt kỷ lục về sản lượng khai thác đối với cả 4 dòng sản phẩm. Đồng thời, cũng là năm Công ty niêm yết thành công cổ phiếu của Masan Tài nguyên tại sàn Upcom của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong suốt những năm tiếp theo, Công ty luôn đạt sản lượng và doanh thu năm sau cao hơn năm trước; cùng với nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường sản phẩm toàn cầu, giá tất cả các sản phẩm của Công ty đều tăng đáng kể đã giúp MSR đạt được kết quả kỷ lục trên tất cả các mặt từ sản xuất, doanh thu đến lợi nhuận ròng.
Mảng ghép chiến lược trong đổi mới nền công nghiệp toàn cầu
Năm 2017 được nhớ đến là một năm đầy thách thức và khó khăn, nhưng cũng có rất nhiều thành tựu và sự ghi nhận to lớn đối với MSR. Công ty vẫn tiếp tục áp dụng những tiêu chuẩn tốt nhất trên tất cả các lĩnh vực liên quan tới cộng đồng, môi trường và an toàn. Về môi trường, Công ty đã hoàn thành các hoạt động kiểm tra nghiêm ngặt việc tuân thủ các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường và tài nguyên nước. Trong một động thái tán thành kết quả khả quan của cuộc thanh tra, Công ty là đơn vị được lựa chọn để đón tiếp các đại diện quốc tế của Phái đoàn Đặc trách về Khai khoáng (APEC). Đại biểu trong đoàn đã đánh giá cao các công trình bảo vệ môi trường, công tác phục hồi môi trường, bồi thường tái định cư và các hoạt động tạo việc làm, phục hồi sinh kế cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Năm 2017, MSR cũng đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển. Kết quả của các hoạt động này đã đem lại hiệu quả năng suất cao hơn, thậm chí đã có công trình nghiên cứu và phát triển trở thành những công trình đầu tiên được đưa vào ứng dụng trên toàn thế giới.
Nhờ những thành tựu của đổi mới trong công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, MSR đang là nhà cung cấp ổn định và đáng tin cậy các sản phẩm ổn định cho rất nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc… Và đã tạo được sức cạnh tranh rất lớn đối với các dòng sản phẩm Vonfam trung, cao cấp của Trung Quốc và các nước khác; một số khách hàng thân thiết của Trung Quốc và Nga đã chuyển sang mua sản phẩm của MSR. Theo đánh giá của giới chuyên môn, MSR là một trong số ít nhà sản xuất được công nhận là đối tác uy tín trên toàn cầu về các sản phẩm hóa chất công nghiệp, đặc biệt là Vonfram và Florit. Nhờ vào những tác động tích cực kể trên, doanh thu thuần trong quý II-2018 tăng khoảng 35%; EBITDA cũng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017.
Về mặt chiến lược, MSR vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà sản xuất Việt Nam với tầm cỡ thế giới trong thị trường sản phẩm công nghiệp. Hiện tại, Công ty vẫn tiếp tục tìm kiếm các đối tác chiến lược trong sản xuất sản phẩm cao cấp và các nhà cung cấp sản phẩm sơ cấp. Các sản phẩm bột kim loai công nghiệp khác của Công ty, như: Muối Ammonium Paratungstate (APT), Ôxít Vonfram xanh (BTO), Ôxít Vonfram vàng (YTO), Bismut Xi măng, Florit cấp axit cũng đều là những vật liệu thiết yếu đối với sự đổi mới của nền công nghiệp toàn cầu. Gần đây, tất cả các sản phẩm này đều có tên trong danh mục các vật liệu thiết yếu đối với sáng tạo và phát triển trong công nghiệp của Chính phủ Hoa Kỳ…
Những điều kiện cần và đủ cho kế hoạch đầy tham vọng
Với chiến lược lấy công nghệ làm đòn bẩy, MSR đã mạnh dạn đầu tư vào dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác khai thác và chế biến. MSR cũng đã tuyển dụng những chuyên gia xuất sắc nhất từ 14 quốc gia khác nhau trên thế giới, từ các mỏ lớn nổi tiếng như Barrick Gold, Rio Tinto, BHP Billiton, MMG. Kế thừa kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia đã có hàng trăm năm kinh nghiệm khai thác chế biến khoáng sản, đội ngũ này đã góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho MSR.
Bên cạnh đó, MSR còn đầu tư đáng kể để phát triển năng lực thông qua các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tại đây, con người không những được đào tạo về chuyên môn, huấn luyện tại thực địa, mà còn được đào tạo toàn diện về thái độ ứng xử và đạo đức trong vận hành và khai thác mỏ. Đó chính là văn hóa an toàn; phương châm tôn trọng - hành động - kết quả trong công việc và thực hành có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng xã hội.
Với mục tiêu trở thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu Vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc với doanh thu năm 2018 dự kiến là 8.000 tỷ đồng; chiếm 36% thị phần Vonfram ngoài Trung Quốc, MSR luôn cam kết thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng hoặc vượt xa tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. MSR đã thể hiện là một trong những mỏ làm tốt nhất công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ dân sinh vì mục tiêu phát triển bền vững. Theo báo cáo gần đây của Công ty trong Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, MSR đã đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2015-2017; góp 1 triệu USD mỗi năm vào các chương trình an sinh xã hội của Thái Nguyên; tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động địa phương; hỗ trợ trên 6.000 người dân địa phương bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế...
Trên cơ sở thực hành các tiêu chuẩn tốt nhất thế giới, MSR không ngừng tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh với mục đích gia tăng giá trị góp vốn của cổ đông; từng bước chứng minh với thế giới rằng, một Công ty Việt Nam có thể dẫn dắt sự thay đổi của thị trường Vonfram toàn cầu.