Nhiều người cho rằng, tư nhân làm nhiệt điện sẽ khó thành công, bởi đầu tư lớn, rủi ro cao, các vấn đề về công nghệ, nhiên liệu luôn gây trở ngại... Tuy nhiên, nhìn cách đầu tư Nhà máy nhiệt điện và triển khai phương án tham gia thị trường điện cạnh tranh của Công ty CP Nhiệt điện An Khánh thời gian qua mới thấy, tư nhân không chỉ làm được mà còn làm rất tốt trong lĩnh vực đầu tư vốn được xem là mạo hiểm này.
Cạnh tranh sòng phẳng
Có hai dấu mốc quan trọng khẳng định sự có mặt và đóng góp của Công ty CP Nhiệt điện An Khánh với nguồn điện lưới Quốc gia, đó là: Tháng 7-2015 Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 của Công ty chính thức phát điện thương mại và chỉ hơn 2 năm sau, tháng 11-2017, Nhiệt điện An Khánh đã công bố tham gia thị trường điện cạnh tranh. Từ đó, dù tên tuổi còn rất mới trên thị trường, nhưng An Khánh đã có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp ngành điện. Bằng chứng là hiện nay, mỗi năm Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 sản xuất và hòa vào lưới điện Quốc gia trên 800 triệu KW/h điện, đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm. Năm 2018, với mức giá áp mới theo hợp đồng mua bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến doanh thu cả năm sẽ ở mức 1.300 tỷ đồng.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với việc vận hành điện ổn định, phù hợp tình hình thị trường điện cạnh tranh, tính hiệu quả của Nhiệt điện An Khánh còn được khẳng định rõ nét hơn nữa trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Doanh thu chênh lệch giữa giá điện tạm tính và giá điện chính thức của Nhà máy đến tháng 12-2017 là 350 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc lợi nhuận lũy kế của Công ty cũng tăng lên số tiền là 350 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hàng năm của đơn vị đều vượt kế hoạch mà HĐQT Công ty phê duyệt. Như vậy, không chỉ cạnh tranh sòng phẳng và đứng vững trên thị trường, Nhiệt điện An Khánh còn góp sức đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khẳng định vị thế, đóng góp cho xã hội
Nhà máy Nhiệt điện An Khánh được đầu tư trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước suy thoái. Điều này được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên ghi nhận, chia sẻ. Tuy nhiên, dù trong gió to, bão giật nhưng nếu cây có rễ chắc, bám sâu chắc chắn vẫn sẽ đứng vững. Nhiệt điện An Khánh cũng vậy. Sự mạnh dạn, can đảm của nhà đầu tư cộng với những nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, sáng tạo của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Công ty, đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 trở thành đơn vị sản xuất nhiệt điện công suất lớn đầu tiên của Việt Nam do tư nhân đầu tư, đảm bảo cả về kỹ thuật và chất lượng. Không những thế, Nhà máy sở hữu công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng nhiên liệu có nhiệt trị thấp, đã qua kiểm chứng ở trong nước và nhiều quốc gia. Lãnh đạo Công ty luôn tự hào rằng, có được sức mạnh ngay từ đầu, ngoài nội lực còn là sự tin tưởng, sẻ chia, chung lưng đấu cật của các đối tác lớn có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt, có sự hậu thuẫn của các nhà cung cấp tài chính uy tín như: Tập đoàn Masan, Ngân hàng CP Thương mại kỹ thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc…
Công nhân vận hành máy móc thiết bị trong Nhà máy.
Với 2 tổ máy hoạt động, công suất khoảng 120MW, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 đang vận hành đều đặn theo kế hoạch đề ra. Nhà máy đang giải quyết việc làm ổn định và thường xuyên cho trên 500 lao động, trong đó phần lớn là lao động địa phương. Thu nhập bình quân người lao động đạt trung bình khoảng 9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực. Với sản lượng lớn, doanh thu cao, Công ty đang đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, sự xuất hiện của Nhiệt điện An Khánh đã giúp gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nội địa của tỉnh, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa phương.
Chiến lược phát triển dài hạn
* Những năm qua, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh luôn quan tâm đi đầu trong công tác từ thiện nhận đạo, tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương. Trung bình mỗi năm, Công ty dành khoảng 1,4 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động trên. * Với những thành tích đạt được, trong 2 năm 2016 và 2017, Công ty nhận được nhiều danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý: Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; Cờ Thi đua xuất sắc trong phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và Cờ Thi đua cơ sở Công đoàn vững mạnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Cờ Thi đua của Bộ Công Thương, của UBND tỉnh dành cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua... Ngoài ra, Công ty còn nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương vì những thành tích đã đạt được trong từng lĩnh vực hoạt động. |
Tiếp nối sự thành công từ Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 tại Thái Nguyên, Công ty đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 2 tại tỉnh Bắc Giang với quy mô và mức đầu tư gấp mấy lần An Khánh 1. Nhà máy này có công suất 650 MW, được xây dựng tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, trên diện tích gần 90 ha. Nhà máy có tổng mức đầu tư trên 24 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và phát điện thương mại vào năm 2022-2023, mỗi năm cung cấp cho thị trường điện trên 5 tỷ KW/h, nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 1.000 lao động. Đây là chiến lược đầu tư có tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững của Công ty. Nhiệt điện An Khánh 1 và 2 được kỳ vọng sẽ cùng với các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và điện gió trong cả nước thúc đẩy tăng trưởng ngành điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và khu vực.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thắng, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh sẽ tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên than của đất nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đến năm 2020, Công ty sẽ thực hiện có hiệu quả Đề án “Xử lý, tiêu thụ tro xỉ” của nhà máy nhiệt điện, qua đó bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên cho đất nước...