Từ công nhân cơ khí, ông Nguyễn Hữu Bình (sinh năm 1965) đã vươn lên trở thành Giám đốc Công ty TNHH Long Bình (phường Cải Đan, T.P Sông Công) - chuyên sản xuất “nhông đĩa xe máy” và hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Bằng sự nỗ lực không ngừng, ông đã từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của Công ty trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Là một doanh nhân nhưng trông ông Bình giản dị như một người nông dân. Ông phấn khởi: Sản phẩm của Công ty vừa mới được công bố chất lượng và Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã vạch riêng trên thị trường. Cầm trên tay bộ sản phẩm, ông kể về quá trình lập nghiệp của mình.
Xuất thân từ gia đình thuần nông lại đông anh em, ông Bình hiểu sự vất vả của cha mẹ từ sớm. Sau khi học hết cấp 3, ông học cơ khí chế tạo tại Trường Cao đẳng Cơ khí Việt Đức. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc trong Công ty Diesel Sông Công. Khi là công nhân, ông luôn cần mẫn với công việc và ham học hỏi từ những người xung quanh nên đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức mới. Ông nói: Những khi rảnh rỗi, tôi mang những chiếc máy đã cũ, hỏng của nhà hoặc Công ty ra để tập sửa, chế thử, vì thế mỗi ngày tay nghề nâng lên một chút. Ông bắt đầu nung nấu ý tưởng sẽ trở thành chủ doanh nghiệp cơ khí trong tương lai.
Ông nhớ lại: Hồi ấy, mỗi đợt tăng ca, tôi đều xung phong đăng ký để có thêm tiền dành dụm mở một doanh nghiệp cơ khí tại nhà. Vào những ngày nghỉ, tôi tranh thủ nhận sửa chữa máy cày, máy đùn gạch, máy xát lúa… của người dân. Sau khi có được một lượng khách hàng nhất định, cộng với số vốn và kinh nghiệm tích lũy được, năm 2004, ông Bình quyết định xin nghỉ việc tại Công ty Diesel để mở xưởng cơ khí tại nhà.
Những ngày đầu, xưởng cơ khí chỉ rộng 80m2 với 3 chiếc máy phay, tiện vạn năng, phục vụ sửa chữa cơ khí cho bà con trong làng. Thời điểm đó, trong vùng chỉ có duy nhất xưởng cơ khí của ông Bình nên ai cứ hỏng máy móc gì lại mang đến cho ông sửa chữa. Cứ thế, khách hàng tìm đến ngày một đông, một mình ông làm không xuể việc. Vừa làm vừa tích góp để đầu tư máy móc, mở rộng phân xưởng, ông Bình còn chủ động đi tìm kiếm các đối tác trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2006, ông ký được đơn hàng gia công cơ khí cho Công ty Phụ tùng máy số 1. Với tay nghề lâu năm cộng với việc chủ động đầu tư về máy móc, ông đã ghi điểm ngay từ đơn hàng đầu tay. Suốt từ đó đến năm 2014, xưởng cơ khí của ông lúc nào cũng duy trì từ 6 đến 10 công nhân phục vụ sản xuất cho Công ty Phụ tùng máy số 1. Trên đà phát triển thuận lợi, đến năm 2014, ông quyết định thành lập Công ty.
Đi đôi với ý tưởng sáng lập doanh nghiệp là việc xây dựng sản phẩm riêng mang tên Công ty mình, ông Bình tâm sự: Trong thời gian làm gia công, tôi nhận thấy sản xuất một sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh sẽ giúp Công ty chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đã tìm hiểu thị trường và lựa chọn sản xuất “nhông đĩa xe máy” để có thể tận dụng được nền tảng máy móc và kinh nghiệm làm gia công nhiều năm. Chính thức sau 1 năm thành lập Công ty Long Bình, ông Bình quyết định ngừng gia công để tập trung toàn bộ vào sản xuất “nhông xích xe máy”. Năm 2015, ông dốc hết số tiền của mình cộng với vay mượn được hơn 8 tỷ đồng đầu tư cho phân xưởng mới.
Ông nói: Mặc dù, có kinh nghiệm về sản xuất cơ khí nhưng để làm ra một sản phẩm “nhông đĩa xe máy” hoàn chỉnh đòi hỏi trình độ công nghệ máy móc cao hơn nhiều. Thời gian đầu làm thử, Công ty chấp nhận bỏ đi hàng trăm bộ sản phẩm bị lỗi. Mỗi lần thất bại là một lần rút ra kinh nghiệm. Cuối cùng sau hơn 1 năm, chúng tôi đã sản xuất và chạy thử nghiệm thành công sản phẩm này. Năm 2017, sản phẩm được cấp nhãn hiệu riêng LB Sô-Cô và chất lượng sử dụng được công bố đạt từ 20.000-25.000km, có giá bán từ 120.000-125.000 đồng/bộ cho xe máy Honda Dream, Honda Wave Alpha và Yamaha. Sản phẩm cũng vừa được tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 và được lựa chọn đi xét công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Bắc.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Bình cũng nói ra những trăn trở của mình. Hiện tại, sản phẩm của Công ty còn khá mới nên thị trường nên nhiều người chưa biết đến. Một phần cũng vì sản phẩm của mình chưa được quảng bá tốt, bao bì thiết kế chưa hoàn chỉnh, bắt mắt... Hiện nay, mỗi tháng đơn vị bán ra từ 1.000-2.000 sản phẩm, doanh thu chưa có lãi. Song không vì lợi nhuận mà ông Bình đánh mất chất lượng và thương hiệu. Thay vào đó, ông tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường, đầu tư máy móc để giảm giá thành thành phẩm và tăng sức cạnh tranh về giá bán. Ông cũng mong muốn được Sở Công Thương quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp về thiết kế bao bì, quảng bá thương hiệu để sản phẩm đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.