Góp phần phủ xanh đất mỏ

15:25, 11/10/2018

Nếu không được tận mắt nhìn thấy, có lẽ nhiều người không thể tin ở mảnh đất mỏ khô cằn Núi Pháo những loại cây như keo, sắn, mía, cỏ VAO6… lại lên xanh tốt đến thế! Bởi, thực tế đang diễn ra khá phổ biến ở những vùng đất mỏ (than, quặng, nhôm, sắt…), việc khai thác đã làm ảnh hưởng đến không khí,  đất đai khiến con người còn khó sinh tồn, chứ nói gì tới cây cỏ. Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã và đang làm được những điều mà không phải công ty khai khoáng nào trong nước cũng có thể làm được; hơn thế, Nuiphao Mining còn làm rất tốt, bước đầu đem lại hiệu quả hiết thực.

Đó không phải là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi mà theo đánh giá của các chuyên gia đến từ nhiều nước như Anh, Úc, Đức, Việt Nam…khi tham gia Hội thảo tổng kết 3 năm (2016-2018) trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất mỏ Núi Pháo vừa diễn ra tại NuiPhao Mining. Bà Nguyễn Thị Thủy, Trợ lý Dự án Trồng cây năng lượng trên đất mỏ tại Núi Pháo (Viện Độc lập về các lĩnh vực môi trường Cộng hòa Liên bang Đức (UFU)), cho biết: Dự án cùng được triển khai ở 3 đơn vị là Mỏ Đa kim Núi Pháo; Mỏ Than Quảng Ninh và Mỏ Nhôm Lâm Đồng. Kết quả sau 3 năm cho thấy, diện tích ây năng lượng được trồng trên đất mỏ Núi Pháo phát triển tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Một trong những nguyên nhân được chúng tôi đánh giá cao, đó là NuiPhao Mining đã cử một đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm phụ trách Dự án. Trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Ngược lại thời gian 3 năm trước, ba loại cây được lựa chọn trồng thử nghiệm trên đất mỏ Núi Pháo là keo lai Úc, cỏ VAO6 và Cao lương ngọt trên diện tích gần 10.000m2. Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên được UFU lựa chọn là đơn vị tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tổng hợp kết quả nghiên cứu sau khi kết thúc Dự án. Mục tiêu của chương trình là tìm ra loại cây phù hợp để cải tạo đất, phủ xanh chống xói mòn, phục vụ quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của NuiPhao Mining; nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng sinh học nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Sau 18 tháng trồng thử nghiệm, NuiPhao Mining và UFU đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả bước đầu: Cây keo lai Úc, cỏ VAO6 là phù hợp, còn cây Cao lương đỏ dễ bị sâu bệnh, nhất là vào thời gian chuẩn bị cho thu hoạch, nên năm 2017 và 2018, NuiPhao Mining đã trồng thay thế bằng cây sắn và cây mía đường.

Sau 3 năm, kết qủa cho thấy: Cây keo lai và cỏ VAO6 sinh trưởng, phát triên tốt, không sâu bệnh, ít công chăm sóc, tạo độ phì cho đất, sản lượng đạt cao (cây keo lai đã cao tầm 7-8m, đường kính 10-12cm, dự ước thu khoảng 30m3 gỗ/ha/năm; cỏ VAO6 đạt từ 156-230tấn/ha/năm; cây sắn cũng sinh trưởng, phát triển tốt, ít công chăm sóc, sản lượng ước đạt hơn 42 tấn/ha/năm, tương đối phù hợp đất mỏ nhưng cần đánh giá thêm về hiệu quả kinh tế; còn cây mía đường và Cao lương đỏ sinh trưởng kém, thu hút nhiều loại sâu bệnh, mất nhiều công chăm sóc, không phù hợp đất mỏ. Trước kết quả này, NuiPhao Mining kiến nghị: Nên kéo dài thêm thời gian trồng thử nghiệm để có đánh giá chính xác hơn về khả năng thích nghi, cải tạo đất của các loại cây năng lượng với đất mỏ cũng như hiệu quả kinh tế đem lại.

 Sau thời gian Hội thảo, chúng tôi cùng với các đại biểu đã đi thăm quan thực địa. Trước mắt chúng tôi những quả đồi, những bãi đất trống nham nhở đá, sỏi trước kia như được khoác trên mình tấm thảm xanh của keo lai Úc, cỏ VAO6, sắn..., tạo nên khung cảnh trong lành, dù chúng tôi đang tác nghiệp tại một trong những nhà máy khai khoáng lớn nhất nước. Đại diện đơn vị tư vấn kỹ thuật, PGS.TS Trần Văn Điền, Giám đốc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cho biết: Để có được kết quả như hôm nay, một trong những yếu quan trọng, là trước khi khai thác mỏ, Công ty đã bóc đi lớp đất mặt (phần lớn là đất nông nghiệp), sau khai thác, lại tiến hành phủ lên bề mặt đất khai thác bằng chính loại đất mặt đó với độ dầy 0,5m rồi mới trồng cây. Những sản phẩm sau khi thu hoạch đều được lấy mẫu phân tích, nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn theo quy định mới chuyển cho các hộ dân sử dụng phục vụ chăn nuôi (cỏ VAO6, sắn…).

Chương trình hợp tác trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất mỏ Núi Pháo giữa Công ty Núi Pháo và UFU là chương trình có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với môi trường và cộng đồng. Trồng cây năng lượng trên đất mỏ là một trong những phương án cải tạo, phục hồi môi trường mà NuiPhao Mining hướng tới tương lai khi kết thúc khai thác mỏ.