Hiện nay, bên cạnh phát triển công nghiệp (CN) truyền thống, chúng ta đang đẩy mạnh cơ cấu lại nội ngành theo hướng tăng trưởng mạnh CN công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn. Và thực tế điều đó đang tạo ra kết quả khả quan hơn mong đợi, có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.
Kết thúc năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh đạt con số tuyệt đối là 670,1 nghìn tỷ đồng, tăng tới 13,4% so với năm trước và vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Nếu so sánh với các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, chúng ta đang đứng thứ nhất, với vùng Thủ đô Hà Nội chúng ta đứng thứ hai và với cả nước thì đứng thứ tư. Trong đó, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, đóng góp trên 90% tổng giá trị CN cả tỉnh.
Những năm trước, khi giá trị SXCN của tỉnh còn chưa cao, việc tăng mấy chục phần trăm/năm sẽ tạo đột phá mạnh, nhưng khi đã đạt ngưỡng thì việc tăng mấy chục phần trăm là rất khó. Đây là thách thức lớn đối với ngành CN của tỉnh khi bước vào năm 2019. Trong khi đó, mục tiêu đề ra của tỉnh là không hề nhẹ: Năm 2019 tăng 11% giá trị SXCN so với năm trước. Tuy xét về phần trăm tăng trưởng so với năm 2018 là thấp hơn, nhưng tính trên bình diện giá trị tuyệt đối lại cao hơn nhiều.
Trước nhiệm vụ khó khăn đó, đòi hỏi tỉnh phải có các cơ chế, chính sách cũng như phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp để thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần chú trọng đến phát triển CN theo hướng hiện đại, bền vững. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Là một ngành kinh tế đầu tàu của tỉnh, SXCN đang đi đúng hướng với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường. Mặt khác, phát triển CN của tỉnh dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả các lợi thế địa phương về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực qua đào tạo.
Thời gian gần đây, chúng ta đã tiếp nhận một dòng đầu tư mới theo hướng CN công nghệ cao, đó là sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung và hàng loạt các nhà đầu tư thứ cấp đi theo. Ngoài giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, các DN công nghệ cao còn tạo ra làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ khi nâng giá trị sản xuất CN của tỉnh từ mấy chục nghìn tỷ đồng lên mấy trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngành CN này đang sở hữu trên 100 doanh nghiệp và gần 700 cơ sở sản xuất với tổng vốn kinh doanh trên 7 tỷ USD, chiếm tới trên 90% tổng giá trị sản xuất CN trên địa bàn.
Giới chuyên môn cho rằng, xu hướng phát triển CN công nghệ cao là tất yếu và mang tính bền vững, nhất là khi các ngành CN nặng, trong đó có khai khoáng, luyện kim của tỉnh đang sa sút và để lại những hệ lụy xấu về môi trường.
Theo mục tiêu đề ra cả nhiệm kỳ thì đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân cả giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đạt 10%, trong đó CN, xây dựng tăng 16% trở lên; giá trị sản xuất CN năm 2020 phải đạt 740 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần có những chính sách, chiến lược và định hướng phát triển phù hợp. Được biết, tỉnh đang chủ trương ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm CN mũi nhọn sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm CN công nghệ cao, chế biến sâu để đẩy mạnh tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay, các dự án về công nghệ thông tin, CN điện tử, CN hỗ trợ, cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản gắn với sản xuất vật liệu mới, CN chế biến lâm sản, nông sản sạch và sản xuất thân thiện môi trường đang được ưu tiên đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm CN, tăng cường thu hút các dự án đầu tư lớn, trọng điểm nhằm tạo ra các cơ sở CN chiến lược của tỉnh. Kết hợp phát triển CN có quy mô lớn, tập trung hài hòa với quy mô vừa và nhỏ, phát triển các ngành nghề ở khu vực nông thôn...
Với định hướng đúng đắn cộng với cơ chế chính sách phù hợp đã được kiểm chứng từ thực thế những năm gần đây, tin tưởng rằng ngành CN của tỉnh sẽ đạt tốc tộ tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề vững chắc để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.