Masan Resources: Nhân lực, công nghệ - Yếu tố quyết định sự phát triển bền vững (Kỳ I)

15:49, 28/07/2019

Những năm gần đây, Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources) nổi lên là một doanh nghiệp khai khoáng có tiếng vang trong nước và quốc tế bởi những ưu điểm nổi trội trong các vấn đề về khai thác, sản xuất, tinh luyện khoáng sản; tham gia bảo vệ môi trường; nâng cao trách nhiệm xã hội... Đặc biệt, năm 2018, Masan Resources ghi nhận nhiều kỷ lục về kết quả sản xuất, kinh doanh, tài chính, chứng minh với thế giới rằng một công ty Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn dắt sự thay đổi thị trường Vonfram thế giới, hướng tới mục tiêu cao hơn “đưa nguồn Tài nguyên chiến lược của Việt Nam trở thành vật liệu cho công nghệ cao toàn cầu”.  Vậy đâu là những yếu tố quyết định sự thành công đó?

Nơi quy tụ nguồn nhân lực đẳng cấp thế giới

Trên cơ sở thực hành các tiêu chuẩn tốt nhất trên thế giới, Masan Resources không ngừng tăng trưởng và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Masan Resources đã quy tụ một đội ngũ các chuyên gia đẳng cấp thế giới, dày dặn kinh nghiệm trong môi trường quốc tế và khu vực, những người đam mê công việc muốn đóng góp sức lực và trí tuệ để “biến” nguồn tài nguyên chiến lược Việt Nam thành vật liệu cho công nghệ cao toàn cầu.

Sự thống nhất trong đa dạng

Có những giai đoạn, Masan Resources sử dụng tới 150 chuyên gia (nay là 95 chuyên gia) đến từ hơn 10 quốc gia của nhiều châu lục trên thế giới (châu Âu, Á, Úc, Mỹ...). Cùng làm việc với các chuyên gia nước ngoài là hơn 1.400 cán bộ, công nhân viên, người lao động đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi người đến từ một miền đất khác nhau lại có một phong cách, lối sống, sự ứng xử... mang nét văn hóa riêng của dân tộc, đất nước mình, nhưng dưới mái nhà Masan Resources ở họ đều có chung niềm đam mê, sự đoàn kết, thống nhất, cùng nỗ lực hết mình, cống hiến tài năng và sức lực cho công cuộc “khai mở kho báu Quốc gia”; hướng tới cung cấp các sản phẩm hóa chất công nghiệp Vonfram, Florit, và Bismut chất lượng vượt trội cho những khách hàng đến từ tất cả các ngành công nghiệp chủ chốt trên thế giới, trong đó tập trung vào những khách hàng chiến lược và công nghệ cao.

Sự kết hợp hài hòa giữa người lao động trong nước và các chuyên gia nước ngoài trong công việc dựa trên cơ sở những kinh nghiệm quý báu, tôn trọng, chia sẻ, khả năng quản lý và sự nhiệt huyết đã từng bước dẫn dắt con tàu  Masan Resources đạt được những thành quả như ngày hôm nay: Xây dựng được nhà máy chế biến khoáng sản với quy mô lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam, đủ khả năng sản xuất 4 loại khoáng sản và kim loại khác nhau từ một thân quặng duy nhất. Ông Trần Văn Quế, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự cho biết: Tại Masan Resources, chúng tôi tạo ra môi trường làm việc hết mình nhưng vẫn đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tốt cho nhân viên để họ yên tâm công tác như nhà ở, tiền ăn, bảo hiểm cho cả gia đình, lịch làm việc linh hoạt... Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng mềm và chia sẻ kinh nghiệm cho nhân viên thường xuyên được tổ chức, giúp nhân viên hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Vì thế Masan Resources đã thu hút được lực lượng lao động thống nhất trong đa dạng và chúng tôi tự hào về nguồn tài sản quý giá này.

Lao động Việt đã làm chủ công nghệ hiện đại

Công cuộc hội nhập mang tính toàn cầu đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức, cam go. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ cao. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi nguồn nhân lực cũng như cân đối nguồn năng lực tài chính cho vấn đề này vì cơ hội nhân công giá rẻ sẽ không còn. Một trong những giải pháp tối ưu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là thay vì tuyển mới và thuê chuyên gia nước ngoài với giá cao thì các doanh nghiệp đã đầu tư vào đào tạo lại nguồn nhân lực nội tại, giúp họ có thể  thích ứng và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần phát triển một nền kinh tế phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường... 

Và Masan Resources là một trong số ít doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại đã bước đầu thành công trong việc chuyển giao công nghệ và năng lực thông qua phát triển và thực hiện các chương trình đào tạo cho lực lượng lao động người Việt Nam, dần dần có thể thay thế vị trí của các chuyên gia. Năm 2018, Masan Resources đã tập trung vào công tác đào tạo nội bộ nhằm xóa bỏ khoảng cách về năng lực của nhân viên. Đến nay, ở một số bộ phận sản xuất, điều hành của Công ty, lao động Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại mà không cần phải có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Đơn cử, như chúng ta đã biết, công nghệ được áp dụng tại Công ty Liên doanh NuiPhao – H.C. Starck trước đây được xem là một trong những giây chuyền chế biến Vonfram tốt nhất thế giới. Tại thời điểm mới sáp nhập (tháng 8-2018, Masan Resources mua lại 49% phần góp vốn của Công ty TNHH Tinh luyện Núi Pháo -H.C.Starck và đổi tên thành Công ty TNHH Vonfram Masan - MTC), tỷ lệ lao động người nước ngoài tại MTC chiếm khoảng 15%, nhưng tới nay chỉ còn lại 2 người. Hiện nay, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động người Việt đã được nâng cao ở mức độ không chỉ là có khả năng vận hành nhà máy một cách thành thạo, mà còn tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, ổn định với khối lượng đạt yêu cầu đề ra.

Anh Đoàn Xuân Trường, Giám sát ca sản xuất cho biết: “Cũng như các đồng nghiệp người Việt và chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại đây, tôi đã rất nỗ lực để tìm tòi nghiên cứu công nghệ, các quy trình quản lý mới, và nỗ lực phấn đấu trong công việc để có thể cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng bản thân. Giờ đây, tôi có thể điều khiển toàn bộ khu tuyển trọng lực Vonfram một cách độc lập mà hầu như không cần tới sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài. Tôi cũng có thể áp dụng kỹ năng lãnh đạo để giám sát nhân viên ở nhiều khâu khác nhau trong nhà máy, đồng thời báo cáo trực tiếp lên Giám sát sản xuất cao cấp người nước ngoài”. 

Nguồn lực con người quyết định sự thành công

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Ban Giám đốc Masan Resources đã xác định định hướng phát triển từ khai thác mỏ đến công nghiệp hóa, từ nguồn tài nguyên chiến lược Việt Nam đến vật liệu công nghệ cao toàn cầu, điều này đồng nghĩa chiến lược tuyển dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực nội tại và các chính sách thu hút nhân tài luôn được quan tâm, chú trọng nhằm đáp ứng mục tiêu đó.
Song song với việc luôn tạo cơ hội đào tạo chuyên môn cho người lao động, Công ty cũng luôn chú trọng triển khai các khóa đào tạo theo hướng giúp người lao động cải tiến phương thức tiếp cận tình huống khó trong công việc bằng cách thích ứng với các mô hình hành vi mới, nhằm tăng năng suất lao động. Khóa học điển hình cho phương thức này là Kaizen-5S (là công cụ giúp loại bỏ sự lãng phí, tối ưu hóa năng suất lao động). Phòng Nhân sự đã phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức khóa đào tạo này cho 108 nhân viên được lự chọn từ các bộ phận sản xuất và bảo trì cho giai đoạn 1 của chương trình. Khóa học đã giúp người lao động thay đổi tư duy truyền thống về cách tiếp cận với các tình huống khó khăn; giúp họ nhận diện được 7 loại lãng phí trong hoạt động hàng ngày... Theo đó, chương trình  Kaizen-5S đã được thực hiện ở mọi phòng, ban với sự tham gia tích cực của tất cả người lao động trong Công ty NuiPhao Mining và MTC. Hiện chương trình bước đầu mang lại những thay đổi tích cực trong hành vi của người lao động. 

Tính riêng năm 2018, Công ty đã tổ chức 377 khóa đào tạo bao gồm đào tạo nội bộ, tiếng Anh và đào tạo bên ngoài với tổng số lượt nhân viên tham gia là 8.684 lượt người. Từ đầu năm đến nay, Công ty tiếp tục tổ chức 123 khóa nội bộ với 6.483 lượt người tham gia; 17 khóa bên ngoài với 4.726 lượt người tham gia. Điển hình có các khóa về công nghệ thông tin; kế hoạch bảo dưỡng máy móc thiết bị; đào tạo giảng viên nội bộ...

Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan Resources cho biết: “Chúng tôi không chỉ tăng hiệu suất của lực lượng lao động thông qua một cơ cấu tổ chức tích hợp mà vẫn duy trì một môi trường làm việc thuận lợi, mà còn nỗ lực hình thành và củng cố tư duy đổi mới, cải tiến cho người lao động thông qua các hoạt động đào tạo và trao đổi thông tin. Đây chính là những yếu tố cần thiết đối với một hế hệ mới của những người lao động trong nhành công nghiệp hiện nay”.

Còn ông Miroslaw Banaczkowski, Quản lý vận hành Công ty MTC nhận định: “Chúng tôi tin rằng người Việt Nam rất quyết tâm, được đào tạo bài bản, nhanh chóng nắm bắt được các chuẩn mực quốc tế và hoàn toàn có khả năng, năng lực để vượt qua mọi thử thách trong quá trình chuyển giao tri thức”.

(Còn nữa)