Giải pháp nào tăng sức hút cho các cụm công nghiệp?

08:40, 23/08/2019

Mục tiêu của tỉnh đề ra sau khi quy hoạch, thành lập các cụm công nghiệp (CCN) là phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng, thu hút và lấp đầy các dự án tại từng CCN. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh. Vậy, làm thế nào để tăng sức hút cho các CCN?

Kỳ 1: Cung - cầu chưa cân đối

Hiện nay, có một nghịch lý đang tồn tại là trong khi nhiều DN rất muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các CCN trên địa bàn tỉnh thì nhiều CCN lại chưa thể đáp ứng nhu cầu đó và phát triển rất ì ạch, thậm chí bị bỏ trống nhiều năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Đầu tư hạ tầng còn thiếu và yếu

Theo Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh được quy hoạch 35 CCN. Đến nay đã có 24 CCN được hình thành và đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy dự án đạt trung bình 47%. Tuy nhiên, mới chỉ có 13 CCN có DN đầu tư hạ tầng. Từ thực tế cho thấy số lượng DN đầu tư kinh doanh hạ tầng tại CCN còn thiếu và yếu, vì vậy phần lớn các CCN hoạt động còn manh mún, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân là một trong những DN đầu tiên đầu tư sản xuất, kinh doanh tại CCN Nguyên Gon (T.P Sông Công) từ năm 2005. Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty cho biết: Thời điểm đó, do CCN Nguyên Gon chưa có DN đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên Công ty chúng tôi phải tự bỏ kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB), kéo đường điện và khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất, kinh phí đầu tư theo đó bị đội lên 2,5 tỷ đồng... Còn đối với Công ty TNHH Doosun Việt Nam, khó khăn gặp phải là không thể đầu tư mở rộng sản xuất tại CCN Nguyên Gon, mặc dù diện tích đất trống tại đây vẫn còn tới 3ha. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc CCN Nguyên Gon không có DN đầu tư hạ tầng ngay từ đầu, vì thế, theo quy định hiện hành thì các DN tại CCN này không đủ điều kiện để mở rộng sản xuất. Trước khó khăn đó, cùng với nhu cầu cần mở rộng quy mô sản xuất, từ tháng 7-2019, Công ty TNHH Doosun Việt Nam đã đề xuất với tỉnh cho DN này làm DN đầu tư hạ tầng CCN Nguyên Gon và được tỉnh chấp thuận. Theo đó, Công ty phải huy động thêm vốn để vừa mở rộng sản xuất vừa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đường giao thông tại CCN.

Ngoài CCN Nguyên Gon, đối với 2 CCN Khuynh Thạch và Bá Xuyên (T.P Sông Công) cũng đã có DN đầu tư hạ tầng. Trong đó, CCN Bá Xuyên mới được thành lập, do Công ty cổ phần (CP) Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Tuân đầu tư hạ tầng và đang trong quá trình bồi thường, GPMB. Còn CCN Khuynh Thạch mặc dù được thành lập từ lâu và đến năm 2015, UBND tỉnh đã giao cho DN tư nhân Trung Thành làm chủ đầu tư về hạ tầng, thế nhưng đến nay ngoài 3 dự án đã có từ trước thì CCN này chưa thu hút thêm được dự án mới, nguyên nhân là do còn vướng mắc trong khâu đền bù, GPMB. Về điểm sáng đối với các CCN đã có DN đầu tư hạ tầng là CCN Phú Lạc 2 (Đại Từ) và CCN Kha Sơn (Phú Bình). Thế nhưng về bản chất, DN được giao đầu tư hạ tầng tại 2 CCN này là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chỉ thực hiện GPMB để phục vụ các dự án sản xuất của chính DN mình, chứ chưa đầu tư xây dựng để kinh doanh hạ tầng tại CCN.

Khác với những CCN nói trên, tại nhiều CCN khác, như: CCN Trúc Mai (Võ Nhai), CCN Vân Thượng (T.X Phổ Yên), CCN Cao Ngạn 1 (T.P Thái Nguyên), CNN Quang Sơn 1 (Đồng Hỷ)… do chưa có DN đầu tư hạ tầng mà chỉ có DN đầu tư sản xuất, kinh doanh nên các CCN này hoạt động rất manh mún, thiếu đồng bộ.

Nhu cầu từ phía các DN

Trong khi phần lớn các CCN chưa phát huy được vai trò, hiệu quả thì ngược lại, nhiều DN địa phương hiện nay lại rất mong muốn được tiếp cận, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các CCN bởi nhiều lý do.

Ông Phạm Văn Khánh, Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép và xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) cho biết: Hiện nay, trở ngại lớn nhất đối với DN khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất là khâu đền bù, GPMB. Vì thế, nếu các CCN được GPMB sẵn thì sẽ thu hút được nhiều DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cầu trục và kết cấu công nghiệp VNC (T.P Thái Nguyên) cho biết: Hiện nay, Công ty đang hoạt động trong khu vực dân cư tổ 28, phường Phú Xá nên rất bất tiện, mặt bằng chật chội và dễ gây ảnh hưởng đến khu dân cư. Vì thế, mong muốn của Công ty là được thuê lại mặt bằng tại CCN để đầu tư sản xuất ổn định, từng bước nâng cao hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa của tỉnh cho biết thêm: Nếu tiếp cận được với CCN có hạ tầng hoàn chỉnh thì các DN sẽ thuận tiện trong việc xử lý nước thải, bảo đảm môi trường sản xuất ổn định và thuận lợi hơn rất nhiều so với nằm ngoài CCN.

Là DN mới đầu tư sản xuất tại CCN số 3 cảng Đa Phúc (T.X Phổ Yên) được khoảng 2 tháng, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và xuất nhập khẩu Gia Phát tỏ ra khá hài lòng: CCN đã có mặt bằng sạch và được đầu tư đầy đủ hệ thống đường giao thông, điện, nước nên DN có thể nhanh chóng đi vào sản xuất ổn định. Còn đại diện Công ty CP Xây dựng Bắc Thái, hoạt động tại CCN Quang Sơn 1 (Đồng Hỷ) cho biết: Là một công ty chuyên khai thác, chế biến khoáng sản, khi nhà máy của chúng tôi hoạt động trong CCN được quy hoạch có sẵn vùng nguyên liệu đã giúp cho sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều. 

Từ thực tế hiện nay cho thấy, nhiều DN nhỏ trên địa bàn tỉnh rất mong muốn được tiếp cận với các CCN đã có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh. Thế nhưng, phần lớn CCN lại chưa đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến tình trạng chật vật trong việc thu hút các DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN. Chính vì vậy, lý giải những khó khăn và tìm giải pháp giúp các CCN phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động là vấn đề đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm hiện nay...

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Toàn huyện hiện đã có 3/4 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy dự án tại các CCN mới đạt khoảng 30%. Cụ thể, tại CCN Quang Sơn 1 (xã Quang Sơn), CCN Đại Khai (xã Minh Lập) chỉ có vài DN hoạt động (thực chất, những DN này đã đi vào hoạt động từ trước khi có CCN). Còn CCN Nam Hòa (xã Nam Hòa) nhiều năm qua vẫn “án binh bất động”…
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Đúc Thái Nguyên hoạt động tại CCN Cao Ngạn 1 (T.P Thái Nguyên): Khi mới đầu tư hoạt động tại CCN, chúng tôi phải tự lo nguồn kinh phí GPMB. Số tiền này được trừ vào tiền thuê đất hằng năm của DN, thế nhưng giá thuê đất lại liên tục tăng và do không có cơ chế đối chiếu với giá trị bồi thường GPMB lúc đầu nên DN có phần bị thiệt thòi…

(Còn nữa)