Kỳ 2: Hỗ trợ doanh nghiệp về nhiều lĩnh vực

19:31, 23/08/2019

Nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) gặp khó khăn về nguồn vốn và trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB); các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc đánh giá năng lực, lựa chọn DN đầu tư hạ tầng CCN… Đó là những vướng mắc cơ bản cần sớm được tháo gỡ, từ đó tăng sức hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh. 

Cần khắc phục những “rào cản”

Nhằm phát triển các CCN trên địa bàn, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc mời gọi, thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng để kinh doanh tại CCN, thay vì đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế (T.P Sông Công): Việc đầu tư hạ tầng CCN đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn khá lâu, do đó nhiều DN chưa thực sự mặn mà với vấn đề này. 

Đến nay, mặc dù một số CCN trong tỉnh đã thu hút được DN đầu tư hạ tầng nhưng tiến độ thực hiện những công việc liên quan đều bị chậm so với kế hoạch. Cá biệt có những CCN mà đến nay DN đầu tư hạ tầng chưa triển khai được gì, như CCN Khuynh Thạch (.T.P Sông Công), CCN Sơn Cẩm 2 (T.P Thái Nguyên)… Nguyên nhân khiến việc thực hiện các dự án tại CCN bị chậm tiến độ chủ yếu là do chủ đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB. Ông Nguyễn Văn Thời, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG - là DN đầu tư hạ tầng CCN Sơn Cẩm 1 (T.P Thái Nguyên) - cho biết: Mặc dù Công ty đã thực hiện GPMB từ hơn 3 năm nay nhưng do một số hộ dân chưa đồng thuận nên diện tích đã GPMB mới đạt khoảng 15%. Còn ông Nguyễn Xuân Tốt, Giám đốc DN tư nhân Trung Thành - là DN đầu tư hạ tầng CCN Khuynh Thạch (T.P Sông Công) - thì bức xúc: Nhiều năm qua, các sở, ngành của tỉnh vẫn chưa cung cấp cho Công ty bản đồ quy hoạch CCN, vì thế chúng tôi chưa thể hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công và trình Sở Xây dựng phê duyệt, dẫn đến chưa thực hiện được việc GPMB…

Không riêng DN, các đơn vị sự nghiệp hoặc địa phương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư hạ tầng CCN cũng gặp nhiều khó khăn khác. Ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) - là đơn vị chủ đầu tư hạ tầng CCN Sơn Cẩm 2 (T.P Thái Nguyên) và CCN Hà Thượng (Đại Từ) - cho biết: Hiện nay, Trung tâm chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư GPMB nên chưa xây dựng được hạ tầng CCN. Còn đối với CCN Cây Bòng do UBND huyện Võ Nhai làm chủ đầu tư hạ tầng, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngoài khó khăn về việc bố trí nguồn vốn thì chúng tôi còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục phê duyệt nguồn vốn theo Luật Đầu tư công. Vì thế, tiến độ thực hiện dự án thường bị chậm so với kế hoạch.

Như vậy, để phát triển các CCN hiện nay thì đầu tiên cần phải tháo gỡ được khó khăn cho các nhà đầu tư hạ tầng về thủ tục đầu tư, nhất là về việc bố trí nguồn vốn. Cụ thể là cần có sự linh hoạt hơn trong việc thực hiện các thủ tục ứng vốn của DN cho đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Còn đối với các DN trực tiếp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN thì khó khăn chủ yếu liên quan đến GPMB. Theo đó, các sở, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, hỗ trợ DN trong khâu GPMB; cùng với đó là rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc giao đất, cấp phép xây dựng để giữ chân các DN…

Và những đề xuất, kiến nghị

Mục tiêu của tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, vì thế việc thúc đẩy phát triển các CCN có vai trò quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên. Thực tế thời gian qua, các CCN trong tỉnh đã thu hút được 72 dự án đăng ký đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN (trong đó có 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 10.800 lao động. Thời gian tới, để các CCN có sự khởi sắc hơn nữa thì bên cạnh việc cần khắc phục những “rào cản” mà các DN đang gặp phải thì cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương cũng có nhiều đề xuất, kiến nghị xung quanh vấn đề phát triển CCN.

Theo đó, ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Hiện nay, việc quản lý và phát triển các CCN được thực hiện theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, phát triển CCN. Tuy nhiên, trong Nghị định này lại chưa có quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. Vì thế, khi cùng lúc có nhiều DN đầu tư hạ tầng vào một CCN (như với CCN Lương Sơn ở T.P Sông Công hiện nay) thì Sở Công Thương gặp lúng túng trong công tác tham mưu với UBND tỉnh về việc xem xét, lựa chọn nhà đầu tư. Đây là một trong những vấn đề cần sớm được tháo gỡ.

Còn về phía các địa phương, theo ông Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Thời gian tới, địa phương mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và các CCN của huyện miền núi, vùng cao. Trong khi đó ông Phạm Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng (Đồng Hỷ) đề nghị: Hiện nay, UBND tỉnh đã có Quyết định 41/2012/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung đề cập đến việc hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật (như điện, nước, đường giao thông) ngoài hàng rào CCN bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nhưng thời gian qua vẫn chưa được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm đúng mức…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện tại, Sở chưa có văn bản hướng dẫn của cấp trên để làm cơ sở xây dựng, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN. Vì thế, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN đầu tư vào CCN; ban hành những tiêu chí cụ thể để đánh giá, lựa chọn DN đầu tư hạ tầng tại các CCN. Trong thời gian chờ đợi, giải pháp trước mắt được Sở Công Thương đưa ra để phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh là sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các DN đầu tư vào CCN; cùng với đó là hỗ trợ các địa phương và DN lập quy hoạch chi tiết CCN từ nguồn quỹ khuyến công hằng năm… Song song với vai trò của ngành Công Thương, ông Nguyễn Ngô Quyết cũng đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh, đặc biệt là chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các DN đầu tư hạ tầng cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN trong suốt quá trình đầu tư thực hiện dự án.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Dự án CCN số 3 cảng Đa Phúc (thuộc Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế): Cuối năm 2018, Công ty đã vận động các DN hoạt động trong CCN đóng góp trên 3 tỷ đồng để đổ đường bê tông ngoài CCN, góp phần giúp các DN vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Thời gian tới, Công ty mong muốn được tỉnh hỗ trợ hoặc phối hợp với DN đầu tư thêm các công trình hạ tầng khác ngoài hàng rào CCN…           

Ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Định Hóa: Cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các huyện khó khăn, địa phương cũng mong muốn các sở, ngành của tỉnh đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải sớm đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 3C vào trung tâm huyện. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, nhất là tại CCN Kim Sơn…

(Tiếp theo số báo ra ngày 23-8 và hết)