Những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành khai khoáng trong nước gặp rất nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều dự án chế biến không được đầu tư theo quy hoạch, hoặc đã đầu tư nhưng sản xuất cầm chừng với sản lượng rất thấp, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, tồn kho một số loại khoáng sản với khối lượng lớn, nhiều mỏ phải tạm thời đóng cửa, sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động.
Sự tác động khách quan
Trong bối cảnh chung, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng Sản Núi Pháo - Masan Tài Nguyên (NuiPhao Mining - MSR) cũng không nằm ngoại lệ. Song, với “bản lĩnh” của một doanh nghiệp khai khoáng có tầm cỡ Quốc gia, quốc tế, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự đồng lòng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng Dự án đã giúp NuiPhao Mining - MSR từng bước tháo gỡ khó khăn, khẳng định sự vững bền trong sản xuất, kinh doanh và tiếp tục phát triển, thực hiện hóa mục tiêu đưa nguồn tài nguyên chiến lược Việt Nam trở thành vật liệu công nghệ cao toàn cầu.
Những năm qua, cũng như nhiều doanh nghiệp, Nuiphao Mining - MSR đã trải qua thăng - trầm bởi các yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng nhu cầu và tạo áp lực giảm giá toàn bộ sản phẩm của MSR đang kinh doanh, đặc biệt đối với sản phẩm chủ lực của Công ty - sản phẩm Vonfram. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá sản phẩm giảm tới 19%, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Công ty. Song, với sự quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, NuiPhao Mining - MSR vẫn giữ được vị trí một doanh nghiệp có sức ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Không chỉ là doanh nghiệp khai thác mỏ thuần túy mà còn là nhà sản xuất công nghệ sáng tạo với cam kết trở thành công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp kim loại và hóa chất thiết yếu để dẫn dắt sự đổi mới và tăng trưởng của nền công nghiệp toàn cầu.
Tầm nhìn chiến lược và chọn hướng đi đúng
NuiPhao Mining - MRS đã dành nhiều mối quan tâm vào việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên viên chất lượng cao, với đội ngũ chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới, góp phần hình thành một thế hệ các nhà khai khoáng Việt Nam có khả năng tham gia vận hành bất cứ dây truyền công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản tiên tiến nào. Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường. Những năm qua, Công ty đã liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất, tuân thủ các tiêu chuẩn gắt gao của Chính phủ Việt Nam và toàn cầu, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Mỏ đa kim Núi Pháo được coi là mỏ phức hợp nhất thế giới với 4 dòng sản phẩm trên một thân quặng duy nhất.
Với lợi thế là nhà sản xuất muối Ammoni Vonframat (APT) lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, nhà sản xuất Flourit lớn thứ hai thế giới, Masan Tài nguyên đã vạch rõ lộ trình để nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới trong những năm tới: Mở rộng thị phần APT của Công ty từ 36% lên 50% hoặc lớn hơn bằng cách tăng công suất của Nhà máy Hóa chất Vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2021; củng cố nguồn cung nguyên liệu Vonfram và khả năng tái chế Vonfram để đảm bảo việc cung ứng bền vững; trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghiệp toàn cầu vào năm 2020...
Sự phát triển bền vững của NuiPhao Mining - MSR được minh chứng bằng những mốc son đáng ghi nhớ: Một trong những điểm nhấn quan trọng là tháng 8 năm 2018, NuiPhao Mining - MSR đã mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck Gmbh (“H.C.Starck”) tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck (“Nui Phao - H.C.Starck”) với giá trị 29,1 triệu USD. Nui Phao - H.C.Starck đã chính thức trở thành Công ty con do MSR sở hữu 100%. Việc mua lại cổ phần từ đối tác H.C.Starck Gmbh cho phép Công ty TNHH Vonfram Masan sở hữu 100% và vận hành nhà máy chế biến Vonfram hoạt động ứng dụng công nghệ cao đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á.
Ngày 17/9/2019, Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC), Công ty con do MSR sở hữu 100% vốn đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C.Starck GmbH (HCS). HCS là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm Vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại Vonfram (tungsten metal powders) và Vonfram các-bua (tungsten carbides). HCS phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới với các tổ hợp sản xuất tại CHLB Đức, Canada và Trung Quốc. Việc mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của HCS là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR: Trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. Nguồn cung ATP sơ cấp ổn định với giá thành thấp từ MSR, kết hợp với năng lực tái chế của HCS, sẽ tạo cho MSR năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thờ mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD, và đưa MSR trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm Vonfram “midstream” cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo và công cụ khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.
Hiện nay, NuiPhao Mining - MSR đang chuẩn bị triển khai Dự án xây dựng Nhà máy luyện Đồng (một trong 5 sản phẩm chính của MSR là Vonfram, Fluorspar, Bismusth, Vàng, Đồng) với công suất 10.000 tấn/năm. Quá trình khai thác và tuyển quặng Vonfram đa kim, NuiPhao Mining đã thu được từ 35.000 - 40.000 tấn tinh quặng đồng/năm. Dự kiến đến hết năm 2022, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Với việc triển khai Dự án này cho thấy chiến lược và tầm nhìn của MSR trong bối cảnh các doanh nghiệp luyện đồng trong nước đã chủ động được nguồn nguyên liệu hoặc công nghệ luyện đồng đã lạc hậu không phù hợp với quặng có lưu huỳnh cao... Sau khi Nhà máy luyện đồng của MSR đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Quan tâm người lao động và các vấn đề an sinh xã hội.
Nuiphao Mining đã tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, trong đó hơn 90% là người dân trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án, trong tỉnh, trong nước với mức thu nhập bình quân đạtt ừ 10-12 triệu đồng/người/tháng. NuiPhao Mining được đánh giá là một trong những doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh có chế độ chính sách chăm lo cho người lao động tốt nhất. Người lao động làm việc tại NuiPhao Mining không chỉ được hưởng những chế độ tốt mà Công ty mang lại mà còn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, văn hóa gắn kết. Tại NuiPhao Mining các hoạt động văn hóa, thể thao luôn được Công ty, Công đoàn quan tâm. Từ năm 2016-2018, MSR đóng góp 3.200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; mỗi năm, đóng góp 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh; hằng năm, đóng góp trên 5 tỷ đồng cho các hoạt động về môi trường, kinh tế, xã hội... Theo đánh giá của giới chuyên môn, mỏ Núi Pháo đã đạt được 3 yếu tố cốt lõi: Thứ nhất, vận hành trên cơ sở kiến thức, năng lực nội địa; môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển bằng sự chủ động làm việc với cộng đồng địa phương. Thứ hai, tiếp cận vốn và dòng tiền để mua lại và phát triển các dự án giá trị, đảm bảo hiện thực hóa các giá trị lâu dài và bền vững của cổ đông. Thứ ba, xây dựng cơ chế giảm thiểu rủi ro của Dự án.
Chính vì thế, trong một chuyến thăm và làm việc với NuiPhao Mining của Đoàn cán bộ tỉnh, trong bài phát biểu của mình, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả mà Công ty đã đạt được; đồng thời đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của Công ty trong phát triển kinh tế, tạo ra những sản phẩm có giá trị trong lĩnh vực công nghiệp cao; nỗ lực trong bảo vệ môi trường, nộp ngân sách Nhà nước, bảo đảm đời sống cho người lao động, làm tốt công tác xã hội trên tinh thần “Thái Nguyên vì Núi Pháo - Núi Pháo vì Thái Nguyên”...
Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại cho biết: “Masan Tài Nguyên xác định các mục tiêu phát triển bền vững như là nền tảng cho các hoạt động phát triển của Công ty cũng như nền tảng để triển khai những lợi ích đầu tư lớn hơn trong hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2018, Masan Tài Nguyên đã có những bước tiến lớn về quản trị phát triển bền vững. Thứ nhất, Công ty đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển bền vững. Thứ hai, Masan Tài Nguyên không ngừng cải thiện lĩnh vực quản trị bền vững thông qua việc thành lập Tiểu ban Sức khỏe, Môi trường, An toàn và Bền vững như một công cụ để đo lường và thúc đẩy những hoạt động phát triển bền vững trong nội bộ Công ty cũng như đối với các nhà thầu”.
Với tầm nhìn mới thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn, gia tăng thị phần vật liệu công nghệ cao thế giới, Massan Tài Nguyên đang chứng minh là một doanh nghiệp uy tín, năng động và thành công.