Doanh nghiệp luyện kim nỗ lực vượt khó

07:52, 11/12/2019

Dự án xây dựng Nhà máy luyện xỉ giàu mangan được Công ty cổ phần (CP) Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành đầu tư từ năm 2016 tại Khu công nghiệp Sông Công I, phường Bách Quang (T.P Sông Công) với tổng mức đầu tư trên 538 tỷ đồng, công suất 190.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào vận hành (từ tháng 6-2018) đến nay, Nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, chưa hoạt động được hết công suất theo mục tiêu đã định…

Dự án xây dựng Nhà máy luyện xỉ giàu mangan tại Khu công nghiệp Sông Công I, được Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành đầu tư từ năm 2016 trên diện tích 4ha với tổng số vốn 538 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là sản xuất xỉ giàu Mangan, gang luyện kim, Ferro Silico Manganese với công suất 190.000 tấn/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Sau hơn 3 năm thi công, Dự án đã hoàn thành các hạng mục gồm: 2 lò cao thể tích 60m3/lò, 2 lò luyện Ferro Mangan, 1 hệ thống thiêu kết và các công trình phụ trợ như nhà xưởng, văn phòng, nhà hóa nghiệm, nhà kho, nhà ăn, nhà ở công nhân… Tại Nhà máy, chủ đầu tư còn đưa dây chuyền công nghệ thu bụi hiện đại trị giá 25 tỷ đồng vào phục vụ sản xuất. Tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 648 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch ban đầu. Đến tháng 6-2018, Nhà máy đã được đưa vào vận hành chạy thử, tuy nhiên thời gian đầu vẫn chưa xử lý triệt để được bụi và tiếng ồn trong môi trường như kỳ vọng. Mất khoảng gần 1 tháng vừa chạy, vừa xử lý, từ đó đến nay Nhà máy đã khắc phục được tình trạng bụi, tiếng ồn.. Tuy nhiên, thời điểm Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động thì doanh nghiệp lại vấp phải tình trạng khó khăn chung của ngành luyện kim.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành chia sẻ: Chưa lúc nào ngành luyện kim - một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh lại trở nên ảm đạm như trong thời gian này. Trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng 10% (than, điện…) thì giá thành sản phẩm bán ra lại giảm 15% so với trước. Trước bối cảnh khó khăn này, không ít doanh nghiệp luyện kim phải dừng hoặc giảm hoạt động để tránh thua lỗ, còn đa số vẫn đang cố gắng “gồng mình” giữ nhịp độ sản xuất trung bình. Thậm chí, một số công ty phải nhờ tới sự trợ giúp của các cổ đông chiến lược nước ngoài để hỗ trợ về vốn và tái cấu trúc.

Trước những khó khăn trên, muốn duy trì hoạt động và phát triển, Công ty phải chủ động đưa ra được những giải pháp tối ưu hoạt động của mình. Ban Giám đốc Công ty đã phân tích kỹ những khó khăn chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến đơn vị, qua đó đưa ra định hướng và chiến lược phát triển đúng đắn nhằm ổn định sản xuất, đẩy mạnh hoạt động của bộ phận kinh doanh có trọng điểm theo từng thời gian trong năm với phương châm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, nêu cao tinh thần làm chủ của cán bộ công nhân viên, quan tâm đến cải thiện môi trường lao động, trang bị phương tiện máy móc thiết bị để giảm tiêu hao sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề. Trong sản xuất kinh doanh, từ giữa năm 2018 đến nay, Công ty mới chỉ đưa vào chạy 1 dây chuyền lò điện luyện Feromangan với công suất 15.000 tấn/năm. Lý giải vì sao chỉ đưa 1 dây chuyền vào sản xuất, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Do không muốn “càng sản xuất, càng lỗ” nên chúng tôi đành chọn cách duy trì chạy 1 lò điện công suất nhỏ để đợi thị trường khởi sắc. Riêng 11 tháng năm 2019, doanh thu của Công ty đạt trên 424 tỷ đồng, sản lượng đạt gần 18.000 tấn, nộp ngân sách trên 50 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/ người/tháng.

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Tuy mới đầu tư vào chế biến nhưng Trung Thành đã có chiến lược lâu dài, hiện nay với trữ lượng quặng Feromangan được thu gom trong nhiều năm, nhà máy tại Sông Công có thể yên tâm sản xuất hàng chục năm mà không lo khan hiếm nguyên liệu. Trong năm 2020, Công ty sẽ tiếp tục đưa 3 dây chuyền lò luyện còn lại vào chạy đồng bộ, đáp ứng nhu cầu việc làm cho trên 400 lao động địa phương. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gang, ferromangan, silicolmangan, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác quản lý và sửa chữa thiết bị phục vụ sản xuất, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống; đẩy mạnh công tác sáng kiến, tiết kiệm, quản lý giá thành sản phẩm; đảm bảo an toàn về người và thiết bị, thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường...