Cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phát triển bền vững

08:04, 26/02/2020

Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn đã lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến để xây dựng, phát triển doanh nghiệp (DN), nổi bật là các tập đoàn Samsung, Vingroup... Hiện nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp các DN trên địa bàn phát triển bền vững.  

Thời gian qua, tỉnh ta đã có những bước phát triển đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, về thu hút đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Riêng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 743.800 tỷ đồng (tăng 11,5% so với cùng kỳ); giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 27,6 tỷ USD (tăng 11,2%); thu ngân sách Nhà nước đạt 15.000 tỷ đồng (bằng 100% dự toán năm)... Những kết quả đáng khích lệ đó có được từ sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Những năm gần đây, số lượng DN trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 15-20%/năm, với quy mô sản xuất tăng nhanh. Hiện nay, nguồn vốn bình quân của các DN đạt trên 100 tỷ đồng/đơn vị (tăng gấp 7 lần so với năm 2010), ngày càng có nhiều DN đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Xác định sự phát triển của các DN chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các DN vượt qua khó khăn, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Với mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch để phát triển mạnh mẽ các DN, tháng 7-2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại Hội nghị này, tỉnh đã có thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, về hành động đồng hành của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cùng các DN, doanh nhân. Qua đó, tỉnh tiếp tục đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính tốt, có công nghệ, trình độ quản lý hiện đại đến tìm kiếm cơ hội và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư tại tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các DN nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm, góp phần giúp DN trên địa bàn tỉnh kết nối với các DN lớn trong và ngoài nước…

Trong một cuộc trao đổi gần đây với chúng tôi, ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ngày 29/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho DN; đồng thời xây dựng bộ máy chính quyền kỷ cương, liêm chính, hành động và phục vụ ở các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh rất chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các DN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, bởi đây vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đối với lãnh đạo các huyện, thành, thị cũng tăng cường tiếp xúc với người dân và DN (một năm ít nhất có 4 cuộc tiếp xúc và đối thoại chính thức, ngoài ra còn có các cuộc tiếp xúc khác). Về phía các sở, ngành của tỉnh, hiện nay, nhiều sở như: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư... thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi với DN. Thông qua các cuộc tiếp xúc đã đem lại hiệu quả rõ rệt với tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, có nhiều nội dung thắc mắc, kiến nghị của DN được giải quyết kịp thời.

Năm 2019, trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng tới gần 93%, trong khi công nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng trên 7,1%. Từ thực tế cho thấy, công nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ là điều đáng lo ngại của các DN địa phương. Do đó, đối với những DN địa phương, các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, đào tạo lao động, có cơ chế hỗ trợ về vốn, tiêu thụ sản phẩm để các DN hoạt động ổn định, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả SXKD. Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn cho biết: Được vay vốn ngân hàng với lãi suất thích hợp, cộng với tỉnh có cơ chế hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Công ty tập trung duy trì sản phẩm trọng tâm là xi măng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạch terrazzo, gạch block bảo đảm chất lượng, được sử dụng rộng rãi trong các công trình hạ tầng đô thị, dân dụng. Nhờ đó, tình hình sản xuất của Công ty luôn ổn định, trên 130 lao động được bảo đảm việc làm, thu nhập...

Cùng với đó, từ thực tế cho thấy trong quá trình triển khai các dự án đầu tư thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thường gặp khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, tỉnh chỉ đạo trách nhiệm bồi thường GPMB thuộc về cấp huyện, còn các sở, ngành tham mưu giải pháp tháo gỡ những bất cập về quy hoạch, về giá bồi thường và những cơ chế đặc thù trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính trong GPMB (như: Xây dựng kế hoạch sử dụng đất; xác định giá đất để bồi thường làm sao vừa bảo đảm quyền lợi của các hộ dân liên quan, vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…). Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND T.P Sông Công cho biết: Thời gian gần đây, việc GPMB, xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II với diện tích 250ha đã được tỉnh chỉ đạo T.P Sông Công phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả khả quan. Đến nay, diện tích san nền trong KCN đạt trên 100ha; đường trục chính, đường nhánh, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cấp điện, nhà máy xử lý nước thải đang được khẩn trương thi công. Khi KCN này được hoàn thiện về hạ tầng, đi vào hoạt động sẽ trở thành “đầu tàu”, tạo động lực quan trọng để T.P Sông Công phát triển nhanh, mạnh hơn nữa...

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp, ngành chức năng cùng các địa phương, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, từ đó tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi giúp các DN trên địa bàn phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất mong muốn trong thời gian tới, các DN tăng cường trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong SXKD, thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, các DN nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực thi chính sách pháp luật và thực hiện tốt trách nhiệm với địa phương; đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất thích hợp, hiệu quả về các cơ chế, chính sách vì sự phát triển chung của tỉnh…