Nỗ lực sớm để hoàn thành kế hoạch

09:17, 05/02/2020

Năm nay, tỉnh ta phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn đạt mức tăng 8% so với năm trước. Để có thể hoàn thành kế hoạch đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân và sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành chức năng.  

Ngay từ những ngày đầu năm, các DN trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 với khí thế, niềm tin và những kỳ vọng mới. Trao đổi với chúng tôi trong ngày ra quân sản xuất đầu Xuân (mùng 6 tháng Giêng), ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Kim loại màu Thái Nguyên phấn khởi cho biết: Năm nay, Công ty đề ra kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 11.800 tấn kẽm thỏi, 17.940 tấn tinh quặng kẽm, 165 tấn tinh quặng thiếc, 189 tấn tinh quặng đồng. Do đơn đặt hàng (kẽm thỏi, tinh quặng thiếc) của đối tác đã đến hạn nên chúng tôi duy trì sản xuất liên tục trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua để bảo đảm có đủ hàng giao cho khách đúng hẹn. Nhờ đó, riêng trong tháng 1, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ được trên 1.020 tấn kẽm thỏi, gần 15 tấn tinh quặng thiếc, vượt kế hoạch đề ra. Với mức thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/ người/tháng (cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước), anh chị em công nhân rất phấn khởi thi đua lao động sản xuất… 

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, dự báo năm 2020, các DN trên địa bàn tỉnh đều giữ mức ổn định như những năm trước. Vấn đề đặt ra là từng DN cần chú trọng mở rộng thị trường để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Ông Vũ Ngọc Bách, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên cho biết: Năm nay, Công ty đặt kế hoạch sản xuất, tiêu thụ 730.000 tấn xi măng. Để hoàn thành chỉ tiêu này, Công ty đề ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng tiết kiệm chi phí trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường các tỉnh trong khu vực… Đối với lĩnh vực sản xuất thép, mặc dù thời gian qua Công ty CP Gang thép Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn do Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II bị đình trệ, nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, đơn vị vẫn hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra. Tiếp nối đà vượt khó, ngay từ những ngày đầu năm nay, Công ty đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất trong đơn vị, từ đó góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra trong quý I (sản lượng quặng sắt đạt 141.000 tấn, gang lò cao 35.000 tấn, sản xuất và tiêu thụ 215.000 tấn thép cán…). Lãnh đạo Công ty bày tỏ, với sự đồng lòng, quyết tâm cao, chắc chắn đơn vị sẽ từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh và việc làm, đời sống của trên 4.200 lao động. 

Còn đối với các DN thuộc ngành may mặc, có một tín hiệu rất khả quan là nhiều đơn vị đã ký được đơn hàng sản xuất đến hết quý I, thậm chí là quý II. Vì vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các DN đều khẩn trương đi vào sản xuất ổn định, đồng thời tuyển dụng thêm nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển. Đơn cử như với Chi nhánh Công ty CP may Chiến Thắng, năm nay đơn vị đặt mục tiêu đạt doanh thu trên 150 tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước). Để hoàn thành mục tiêu này, Chi nhánh đang tuyển mới trên 300 lao động, đồng thời đầu tư thêm dây chuyền sản xuất với nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại (như máy cắt - khâu tự động, máy trần bông, máy thổi lông vũ) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… 

Được biết, tiếp nối những thành tựu, kết quả đạt được thời gian trước, năm 2020, tỉnh ta phấn đấu tổng GTSXCN trên địa bàn đạt 803.300 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 24.603 tỷ đồng, tăng 7,2%; công nghiệp địa phương đạt 32.605 tỷ đồng, tăng 8,6%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 746.092 tỷ đồng, tăng 8%. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất khẩu địa phương; đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất lớn (như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sản phẩm xi măng, vonfram, đồng và sắt thép...). Xây dựng chính sách kích cầu, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận thương mại điện tử, hình thành một số tổ chức nghiên cứu thị trường. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn và các khu đô thị, tạo điều kiện thuận lợi để các DN trên địa bàn tỉnh chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước... 

Có một điểm đáng lưu ý nữa là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh hiện nay, các DN có đông người lao động làm việc, nhất là những DN trong các khu công nghiệp đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sản xuất. Đây là việc làm rất cần thiết, cấp bách hiện nay để bảo đảm sức khỏe của người lao động cùng sự phát triển bền vững của các DN.